15/08/2016 12:06 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Với người Tày, người Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng 7 còn được gọi bằng một cái tên khác là Tết “Pây Tái” hoặc “Pây chường Tái” với ý nghĩa là con gái và con rể đem lễ về thăm nhà ngoại... Đây là dịp để con cái thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.
Cứ đến trung tuần tháng 7 âm lịch hàng năm, gia đình chị Hoàng Thị Hạnh, xóm Phja Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng và các hộ dân trong xóm tạm gác mọi công việc đồng áng để chuẩn bị đón rằm tháng 7. Mọi người dân quây quần lại, tấp nập làm bánh gai, thịt vịt để cúng tổ tiên, chuẩn bị đồ lễ để “đi tái” nhà ngoại.Tết rằm tháng 7 năm nay, được gia đình chị Hạnh chuẩn bị từ ngày 12 - 13 âm lịch. Bánh gai là món bánh không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7 để dâng lên tổ tiên, được các hộ gia đình làm đầu tiên. Bánh gai là một món ngon nổi tiếng của Cao Bằng thường được dùng để làm quà biếu người thân ở tỉnh khác.
Để làm một chiếc bánh gai ngon, người làm bánh phải chuẩn bị các nguyên liệu: Lá gói (lá chuối), gạo nếp, lá gai, đỗ xanh, đường phên. Lá gai được phơi khô, loại bỏ xơ, nấu nhừ rồi giã nhuyễn thành bột. Gạo nếp ngâm nước 1 đêm rồi xay mịn để ráo nước; đậu xanh ngâm bỏ vỏ rồi nấu chín, nghiền mịn thành nhân bánh. Khi hấp chín, bánh gai được vuốt thẳng ra và lau khô với ý nghĩa để mọi người dân được nghỉ ngơi thanh thản sau khi đã thu hoạch một vụ mùa vất vả, mong muốn có một cuộc sống bình yên.
Nguyên liệu làm "péng tái" - bánh gai của người Tày, người Nùng. Ảnh: caobang.gov.vn
Mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 gồm có bánh gai, thịt vịt và hoa quả. Người Tày, Nùng có câu: “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pết” (nghĩa là: Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng 7 ăn thịt vịt). Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7.
Theo truyền thuyết, vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, Nùng, vì con vịt là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng 7 hằng năm, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người nông dân.
Người Tày, Nùng thường “Pây Tái” và ăn rằm tháng 7 trong 2 ngày là 14 và 15 âm lịch. Lễ Tết “Pây Tái” vào ngày rằm tháng 7 là bổn phận của những người phụ nữ Tày, Nùng sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Trong năm duy nhất chỉ có ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng 7 mới có dịp được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên.
Hiện nay, người Tày, người Nùng ở Cao Bằng, đặc biệt là ở các xóm làng ở vùng sâu, vùng xa vẫn duy trì và gìn giữ nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng này của dân tộc, góp phần bảo tồn không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
TTXVN/Quân Trang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất