07/09/2018 08:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Nếu V-League là sàn diễn đỉnh cao nhất nền bóng đá, thì đích thị đây phải là đầu ra lý tưởng cho hệ thống đào tạo trẻ đã và đang nở rộ. Và nếu các ĐTQG là bộ mặt của nền bóng đá, thì V-League phải là nơi cung cấp những tinh túy nhất.
Từ VCK U23 châu Á hồi tháng 1/2018 đến ASIAD 18, đội tuyển U23 Việt Nam và có thể nói là ĐTQG Việt Nam trong tương lai gần, đã khẳng định được vị thế tương đối, thì tại sao và như thế nào, hiếm có một đại diện V-League làm được điều tương tự ở các giải đấu cấp châu lục dành cho CLB? Đây thực sự là điều nghịch lý.
Từ cột mốc của B.Bình Dương…
Năm 2009, V-League có 2 đại diện tham dự AFC Cup (giải đấu bị xem là hạng 2 châu lục, sau AFC Champions League) là Hà Nội ACB (vô địch Cúp quốc gia 2008) và B.Bình Dương (quán quân V-League 2008, đồng thời là á quân Cúp quốc gia). Tất nhiên, họ là những đại diện tiêu biểu cho Việt Nam tham dự giải đấu cấp châu lục dành cho CLB vào năm sau. Và khi AFC Champions League đã không còn suất cho V-League, thì AFC Cup được cho là đấu trường "vừa miếng".
Nhưng, Hà Nội ACB vốn vừa nhận trát xuống hạng Nhất 2009, chẳng còn tâm trí đâu mà chơi giải châu lục. Còn lại mỗi B.Bình Dương một mình một ngựa, tiến thẳng vào bán kết, trước khi để thua đại diện của bóng đá Syria là Al-Karamah. Mặc dù vậy, đội bóng đất Thủ đã tạo nên một cột mốc vô tiền khoáng hậu cho các CLB Việt Nam trên trường châu lục: Đồng hạng Ba. Trong quá khứ và đến tận bây giờ, chưa một đội bóng nào phá được cột mốc ấy.
Trước và sau B.Bình Dương, những đại diện Việt Nam như HAGL, Bình Định, Long An, SHB Đà Nẵng, XMXT Sài Gòn, Ninh Bình, SLNA, FLC Thanh Hóa và cả CLB mạnh nhất V-Laegue lúc này là Hà Nội…, cũng từng tham chiến tại AFC Cup, thậm chí là AFC Champions League, nhưng cao lắm cũng chỉ dừng chân ở tứ kết AFC Cup. Với tâm lý chung của phần lớn các CLB Việt Nam, giải châu lục chỉ để đổi gió hoặc… "kiếm thêm", cải thiện thu nhập.
Cho đến lúc này, B.Bình Dương vẫn là đội bóng để lại ấn tượng nhiều nhất khi tham dự giải châu lục dành cho CLB. Họ đã chơi rất hay ở AFC Champions League 2015 và 2016, thắng cả Kashiwa Reysol (Nhật Bản) và Jeonbuk Hyundai Motors của K-League (Hàn Quốc). Lịch sử vẫn còn ghi nhận.
… Đến một V-League "nhược tiểu"
Trước năm 2009, thời điểm B.Bình Dương tạo cột mốc ấn tượng ở AFC Cup như đã nhắc ở trên, chỉ có nhiều nhất 1 đại diện của V-League đủ điều kiện để tham dự AFC Cup, bên cạnh 2 suất dự vòng sơ loại (hoặc vòng bảng) AFC Champions League. Song thông thường, các CLB Việt Nam thường chủ thua (thậm chí là thua đậm như trường hợp của SHB Đà Nẵng ở AFC Champions League 2006, khi để thua Gamba Osaka đến... 0-15), thậm chí chấp nhận bị phạt, đỡ hao binh tổn tướng.
Sau rất nhiều những điều tiếng như thế, cùng năng lực cạnh tranh kém cỏi, cũng như những quy định về cơ sở hạ tầng - sân bãi thiếu chuẩn, AFC đã quyết định rút lại suất tham dự các Cúp châu Á của V-League. Năm ngoái, CLB Hà Nội thậm chí đã để thua Kitchee (Hong Kong - Trung Quốc) ngay ở vòng sơ loại AFC Champions League, để cùng với Than Quảng Ninh xuống chơi AFC Cup, song cũng không thành công. Năm nay đến lượt FLC Thanh Hóa và SLNA cũng nói theo dân trong nghề... "đi tắm sớm".
Có nhiều lý do dẫn đến sự thua thiệt của các nhà vô địch V-League, cũng như Cúp quốc gia trên trường quốc tế, trong đó phải kể đến chất lượng đội hình (vốn chấp "Tây", khi một đại diện ở V-League chỉ được phép đăng ký nhiều nhất 2 ngoại binh và một Tây nhập tịch). Song cơ bản phải là tâm lý nhược tiểu, tự ti, cố gom các danh hiệu ở giải đấu quốc nội và ngồi rung đùi tự sướng. Những chiến lược mang tính dài hơi, nâng cấp tham vọng cho CLB ở hệ thống giải đấu châu lục bị cho là xa xỉ phẩm.
Hơn 10 năm về trước, HAGL khi đó tập hợp đội hình Dream Team không giấu tham vọng bơi ra đấu trường châu lục, nhưng mới chỉ đến cửa ngõ Đông Nam Á, đã phải thu quân vì nghi án bán độ. Nói, AFC Champions League và AFC Cup là các cơ hội "kiếm thêm" cho cầu thủ, cũng như các đội bóng, là có cơ sở từ quá khứ rồi. Gần nhất, trên dưới chục cầu thủ V.Ninh Bình cũng bị phát giác, để rồi phải dừng bước ở tứ kết (cùng Hà Nội T&T), trước khi bị xóa sổ.
Vào thời điểm hiện tại, CLB Hà Nội được xem là đội bóng Việt Nam duy nhất đủ năng lực cạnh tranh ở giải đấu cấp châu lục. Vậy còn chờ gì nữa! Hãy bơi ra khỏi V-League và chứng minh đi!
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất