21h00 ngày 22/6, Nam Phi - Pháp: Ngày cuối cùng của triều đại đổ nát

22/06/2010 10:32 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Nếu có một phép màu nào đến trong trận đấu này, thì nó chắc chắn phải không phải dành cho người Pháp. Vĩnh biệt Domenech, và hy vọng thế hệ tuyển Pháp hiện tại sẽ không đại diện cho màu áo Lam ở bất kỳ một World Cup nào nữa!

Scandal lớn nhất trong lịch sử World Cup?

Năm 2002, Roy Keane công khai “chửi” HLV McCarthy, và anh lập tức bị đuổi về nước. World Cup 1994, Effenberg giơ ngón tay “thối” với các CĐV trên khán đài (trận Đức thắng Hàn Quốc 3-2), làm xấu mặt hình ảnh của nước Đức trên trường quốc tế, và Berti Votgs lập tức tống cổ anh. World Cup 1986, Beckenbauer thẳng tay trừng trị thủ môn Uli Stein, loại anh này khỏi giải vì dám cả gan bảo ông là “tên nhà quê”.



Ngày tàn của Domenech sắp đến - Ảnh: Getty
Thế nhưng vụ Anelka đã vượt xa tất cả những bê bối đã kể trên, vốn đã cực kỳ nghiêm trọng, về mọi mặt. Keane, hay Beckenbauer, những thủ lĩnh có cá tính mạnh trong đội ngũ của Ireland và Đức, đã phải về nước mà không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào của các đồng đội khi phạm sai lầm. Tầm ảnh hưởng của Anelka không thể “bén gót” những thủ lĩnh bẩm sinh ấy, nhưng lỗi lầm của anh thậm chí còn được các đồng đội ủng hộ một cách tiêu cực.


Có thể các cầu thủ Pháp coi việc nổi loạn để ủng hộ Anelka là một kiểu biểu hiện cho ý chí tập thể, thế nhưng thực chất đó là một hành vi thậm ích kỷ, một cái tát giáng mạnh vào hy vọng mong manh mà người hâm mộ còn đặt vào họ. Một cử chỉ hèn yếu trước trận chiến mà họ đáng ra phải chuẩn bị một cách nghiêm túc nhất để giành giật lại sự sống.

Đó là một sự sỉ nhục đối với một nền bóng đá giàu truyền thống như Pháp: World Cup, đấu trường mà bất kỳ cầu thủ nào cũng khát khao chiến đấu với tất cả nhiệt huyết trái tim, trở thành nơi để người Pháp “trưng bày” một đội ngũ thiếu tự trọng và hèn nhát nhất trong số những thế hệ đã chinh chiến qua 13 kỳ World Cup.


Evra đã bảo rằng nổi loạn là phản ứng tất yếu của các cầu thủ khi họ cảm thấy “không được bảo vệ”, bởi quyết định trục xuất Anelka từ LĐBĐ Pháp chỉ đến từ sự phản ánh của báo chí, chứ không phải đại diện cho tiếng nói của các cầu thủ. Thế nhưng họ đã quên mất rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhưng quyết định từ LĐBĐ Pháp phải được tuân thủ một cách vô điều kiện, đặc biệt là trong trường hợp họ làm đúng: FFF đã cho Anelka một cơ hội xin lỗi về hành vi chửi tục trước mặt Domenech, nhưng anh ta không chấp nhận.


Lỗi không chỉ thuộc về Domenech


Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, HLV luôn là người cần được bảo vệ: McCarthy, Vogts hay Beckenbauer thậm chí là người đã đuổi thẳng cổ những kẻ thiếu tôn trọng với mình về nước mà chỉ cần một cú “bật đèn xanh” từ Liên đoàn. Đây không phải là vấn đề về mâu thuẫn cá nhân nữa, mà các HLV buộc phải làm thế để ổn định trật tự trong đội bóng. Không cần biết đâu là nguyên nhân khiến cầu thủ giận dữ, chỉ riêng hành vi bột phát thiếu tôn trọng của họ bản thân nó đã không thể được chấp nhận.


Và đến bây giờ, khi những phút cuối cùng của triều đại Domenech sắp đến, người ta mới nhận ra rằng nguyên nhân khiến đội Pháp trở thành một mớ hỗn độn không thể nhận ra hiện tại không chỉ đến từ lỗi của mình ông. “Gã bảo thủ” có thể đưa ra các quyết định sai lầm trên sa bàn chiến thuật, có thể khiến dư luận nổi giận vì thái độ phớt lờ trước những chỉ trích, thế nhưng ông không thể nào khiến các cầu thủ Pháp, gồm phần lớn những người đàn ông trưởng thành, trở nên hèn yếu và hờn dỗi trẻ con đến như thế này.

Sẽ không có một phép màu nào cho người Pháp trong trận đấu đêm nay, dù Nam Phi cũng đã không chứng minh được tinh thần mà một nước chủ nhà cần có qua 2 trận đấu vừa qua. Thế nhưng đứng trước mặt họ là đội tuyển Pháp với một thế hệ cầu thủ hèn yếu nhất trong 13 kỳ World Cup đã qua, “Bafana Bafana” biết phải làm gì để có lời tạ lỗi với khán giả nhà. Ngược lại, người Pháp sẽ chỉ vì sự vị kỷ cá nhân, mà không muốn đưa ra lời xin lỗi nào hết với Tổ quốc của họ. Cũng như Anelka, người thà bị tống cổ khỏi Nam Phi, hơn là mở mồm nói một lời xin lỗi với Domenech.

Dự đoán: 1-3

Lực lượng

Pháp: Anelka bị đuổi khỏi ĐT. Carrasso chấn thương, và người thay thế anh là Stephane Ruffier vẫn tập luyện cùng tuyển Pháp, bất chấp việc FIFA không chấp nhận “Les Bleus” gọi thủ môn bổ sung.

Nam Phi: Thủ môn Khune bị treo găng vì nhận thẻ đỏ ở trận gặp Uruguay. Dikgacoi bị treo giò vì nhận đủ thẻ vàng.

Ký ức 1998

Ở France'98, Pháp và Nam Phi ở chung một bảng đấu và khi đó Pháp đã giành chiến thắng 3-0, mở màn cho hành trình chinh phục chức vô địch đầu tiên trong lịch sử. Những người ghi bàn cho Pháp trong tận đó là Dugarry và Henry, bàn còn lại do Issa của Nam Phi đá phản lưới. Henry chính là cầu thủ Pháp duy nhất còn sót lại từ trận đấu đó.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm