12/07/2014 14:09 GMT+7 | Chung kết
(giaidauscholar.com) - Sau trận đại thắng đội bóng chủ nhà Brazil với tỷ số 7-1 ở vòng bán kết, huấn luyện viên (HLV) đội tuyển Đức Joachim Loew đã yêu cầu các cầu thủ của mình tỏ ra điềm tĩnh và khiêm tốn trước trận tranh cúp vàng.
Lời yêu cầu của vị chiến lược gia không phải là không có cơ sở, vì trong quá khứ đã từng có nhiều đội bóng phải chịu thất bại muối mặt sau khi thể hiện những màn trình diễn vô cùng ấn tượng.
Dưới đây là 5 trường hợp các đội tuyển giành các chiến thắng vang dội ở World Cup để rồi phải kết thúc bằng nỗi tiếc nuối của kẻ bại trận sau cùng:
* Giấc mơ của các “Magyar ma thuật” bị người Đức xé nát (1954)
Trận chung kết Cúp bóng đá thế giới năm 1954 được biết đến với tên gọi “Phép màu của Bern”. Các “Magyar ma thuật”, cách người ta gọi tuyển Hungary, bước vào giải năm đó với tư cách là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vị vô địch với mạch 32 trận bất bại. Họ hạ gục Tây Đức - đội bóng không cho ra sân tất cả cầu thủ của đội hình chính - với tỷ số đáng kinh ngạc là 8-3 ở vòng bảng. Không mấy ai tin rằng Tây Đức sẽ có thể phục thù trong trận chung kết với chính đối thủ này. Ban đầu, viễn cảnh đó gần như đã lại diễn ra khi người Hungary vươn lên dẫn trước 2-0 chỉ trong 10 phút đầu, với bàn mở tỷ số của huyền thoại Ferenc Puskas. Tuy thế, đội tuyển Tây Đức đã san bằng tỉ số cũng chỉ với khoảng thời gian 10 phút sau đó. Cuối cùng, người Đức đã hoàn thành cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, sau khi Helmut Rahn chọc thủng lưới đối phương, ấn định tỉ số 6 phút trước hồi còi mãn cuộc.
* Thụy Điển lỡ hẹn với huy chương vàng (1958)
Thụy Điển chưa bao giờ đến gần với chiếc cúp vô địch đến thế khi họ giành quyền đăng cai vòng chung kết năm 1958. Họ nhẹ nhàng vượt qua vòng bảng trước khi đánh bại Liên Xô trong vòng tứ kết. Nhưng đối mặt với các nhà đương kim vô địch Tây Đức ở bán kết thì lại là một câu chuyện rất khác. Người Đức vượt lên dẫn điểm nhưng các cầu thủ Thụy Điển quân bình tỷ số trước giờ nghỉ. Các bàn thắng muộn từ Gunnar Gren và Kurt Hamrin đã đảm bảo cho họ thắng lợi 3-1 trước một đội Đức đã chỉ còn 10 người khi trận đấu diễn ra được 1 giờ. Trong trận chung kết, đội bóng Bắc Âu vươn lên dẫn trước nhưng cuối cùng lại bị Brazil vượt qua với kết quả 5-2, trong đó có cú đúp của Pele.
* “Bò tót” Tây Ban Nha gục ngã trước Bỉ (1986)
Như mọi lần, Tây Ban Nha tiến vào một vòng chung kết khi các chuyên gia và giới chuyên môn đều nói rằng đây sẽ là lần họ chấm dứt cơn khát danh hiệu kể từ sau chức vô địch châu Âu năm 1964. Niềm tin đó càng trở nên có cơ sở sau thắng lợi tuyệt vời 5-1 của đội bóng này trước Đan Mạch ở vòng 16 đội. Tuy nhiên, tuyển Bỉ thì kiên cường hơn nhiều với một đội hình gồm các cầu thủ dạn dày kinh nghiệm như Jan Ceulemans và các cầu thủ trẻ như Enzo Scifo khống chế đội hình Tây Ban Nha do “kền kền” Emilio Butragueno dẫn dầu. Đội tuyển của bán đảo Iberia gỡ hòa 1-1 ở cuối trận, rốt cuộc vẫn không thể vui vẻ do người Bỉ giành chiến thắng với tỷ số 5-4 trong loạt penalty.
* Thuram đặt dấu chấm hết cho “câu chuyện cổ tích” Croatia (1998)
Tuyển Croatia dường như có thể mang lại hạnh phúc cho đất nước quê hương mới chỉ giành độc lập vài năm trước đó sau cuộc chiến vùng Balkan khi tiến sâu vào vòng chung kết năm 1998. Những giấc mơ đã biến thành niềm tin khi họ vượt mặt "người khổng lồ" Đức 3-0 ở vòng tứ kết và chuẩn bị cho cuộc đối đầu với chủ nhà Pháp. Croatia có vẻ sẽ có cuộc góp mặt lịch sử trong trận chung kết khi tiền dạo Davor Suker đưa đội nhà lên dẫn trước ngay ở phút đầu hiệp 2. Đáng tiếc là họ bị kéo trở lại mặt đất ngay sau đó vì Lilian Thuram ghi liền một mạch 2 bàn thắng để phá tan giấc mộng Croatia.
* Tây Ban Nha quá mạnh cho người Đức (2010)
Một số người trong đội hình tuyển Đức hiện tại sẽ nhớ về 4 năm trước vì họ đã “đi bộ” qua vòng 1/8 và tứ kết với các thắng lợi bắt mắt 4-1 và 4-0 lần lượt trước Anh và Argentina. "Die Mannschaft" tiến vào trận bán kết với nhà vô địch châu Âu Tây Ban Nha - đội đã hạ họ trong chính trận đấu cuối cùng của Euro 2008 - với rất nhiều sự tự tin. Tuy nhiên, 90 phút sau, chính người Tây Ban Nha mới giành quyền đi tiếp - và sau đó đoạt ngôi vô địch - nhờ cú đánh đầu thành bàn của Carles Puyol để ấn định tỷ số 1-0. Tuyển Đức rời sân trong tư thế của kẻ kiệt sức./.
Việt Anh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất