DIỄN ĐÀN: Đuổi theo Thái Lan bằng cách nào?

07/09/2015 05:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Nguyên nhân nào khiến cho bóng đá Việt Nam không thể bắt kịp Thái Lan trong nhiều năm qua có thể là điều dễ dàng chỉ ra. Nhưng làm thế nào để giải bài toán ấy lại là một câu chuyện khác.

Nguyên nhân đầu tiên và dễ đạt được sự tán đồng nhất là ở đào tạo trẻ. Và thứ đến là chất lượng của các giải VĐQG. Nhưng có lẽ cũng cần phải so sánh chi tiết hơn, để thấy sự khác biệt giữa cầu thủ Việt và cầu thủ Thái Lan, cũng như cách tổ chức lối chơi của các đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Thái Lan ở các cấp độ.

1. Đây là lần đầu tiên

...chúng ta không thấy ở đội U19 trải qua mấy năm gần đây những trung vệ tung 2 chân phá bóng. Một Trọng Đại mang băng đội trưởng trong phần lớn thời gian hiệp 1 trận chung kết chơi đầu óc, biết chọn vị trí để ngăn chặn và cản phá các pha căng bóng từ cánh cũng như chọc khe của đối thủ. Nhưng trước đó, và cũng không lấy gì làm bất ngờ nếu như chúng ta lại thấy ai đó chơi trường phái của Huy Hoàng với những pha tung 2 chân phá bóng và những pha băng cắt bằng cách phi cả 2 chân. Gọi là trường phái của Huy Hoàng, nhưng thực tế trước anh đã từng có nhiều trung vệ cũng chơi theo cách này như Hữu Thắng, Tiến Dũng, Đỗ Khải.

Chúng ta có thể tranh luận rằng, họ nằm trong số những người giỏi nhất ở các vị trí của mình với BĐVN. Đúng, họ giỏi nhất, và chúng ta đang so những người giỏi nhất với nhau. Những trung vệ giỏi nhất của bóng đá Thái Lan không có những trung vệ như thế. Các thế hệ tiếp nối nhau là những người chơi tỉnh táo, bọc lót, băng cắt và có tư duy tổ chức tấn công từ tuyến sau.

2. Khi xem U19

…. rồi U23 và đội tuyển lớn của Thái Lan trong cùng một thời điểm (tức là ở SEA Games 2015, Vòng loại World Cup đang diễn ra, và U19 Đông Nam Á), chúng ta đều thấy trung tuyến của Thái Lan được tổ chức trên nền tảng là một tiền vệ “2 trong 1”. Anh này chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm, vừa thu hồi bóng, vừa điều tiết nhịp độ và có khả năng tỉa bóng, chọc khe cũng như những quả chặt mu chuẩn xác. Họ giống như những sản phẩm của một công nghệ nhân bản hàng loạt cứ tới thời nào cũng có.


Học theo cách làm của bóng đá Thái Lan chính là cách tốt nhất để bóng đá Việt Nam vượt qua đối thủ này. Ảnh: Phạm Kiên – Nguyễn Chiến

Còn Việt Nam ở mỗi đội tuyển khác nhau, ở mỗi lứa khác nhau là những tiền vệ không hẳn là sự đa dạng về phong cách mà sự hạn chế về năng lực, có vẻ như sẵn sàng để đứng trong mọi hệ thống chiến thuật, đáp ứng được các lối chơi khác nhau, nhưng nhiều người trong số ấy thực tế lại thiếu hẳn sự bài bản và không có những phẩm chất tiêu biểu ở các vị trí của mình.

3. Chúng ta lâu nay

…. vẫn tự phong mình là nền bóng đá có những cầu thủ thiên về kỹ thuật, nhưng dường như đã có sự nhầm lẫn giữa khéo léo với kỹ thuật chuẩn mực của bóng đá đỉnh cao 11 người. Kỹ thuật của các cầu thủ Thái Lan được đo trên thang bậc của khả năng xử lý bóng bước một sao cho họ có thể xử lý tình huống tiếp theo nhanh nhất, hợp lý nhất; kỹ thuật kết hợp với tư duy sao cho nó phục vụ được ý đồ chiến thuật. Kỹ thuật của các cầu thủ Thái còn là khi cần sút xa thì nó không giống một đường chuyền bóng. Chúng ta dường như có thừa các cầu thủ được coi là “dị” còn Thái Lan thì không bao giờ thiếu các cầu thủ chơi đơn giản mà hiệu quả, không cần chăm chăm làm nên một pha bóng mang nặng tính biểu diễn mà làm sao để đạt được mục đích chung.

4. Bóng đá Thái Lan

….. không hẳn lúc nào cũng sản sinh ra những trung phong giỏi, một vị trí mà những phẩm chất được quyết định khá nhiểu bởi tính thiên bẩm, và đây là điều họ cũng vẫn hơn Việt Nam nhưng không quá áp đảo. Nhưng, điều quan trọng là nó được bổ khuyết bởi sự chuẩn mực ở các vị trí, các tuyến khác, và hơn hết là lối chơi.

Khả năng áp đặt lối chơi của các cầu thủ Thái Lan là thứ mà chúng ta luôn ngưỡng mộ họ khi 2 đội tuyển đối mặt với nhau. Bất cứ đội tuyển Thái nào trong nhiều năm qua đều xây dựng lối chơi theo cách cầm bóng, phối hợp với sự dâng cao đội hình tới mức cặp trung vệ sẵn sàng đứng sát vạch vôi giữa sân. Khi mất bóng sẽ gây sức ép ngay bên phần sân đối phương. Còn các đội tuyển Việt Nam không phải là sự đa dạng về chiến thuật mà là thiếu bản sắc do nó hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích của các HLV.

Với U19 Việt Nam, chúng ta thấy rằng đội bóng này tập trung được 1 tháng mà quên mất thực tế là nó được tuyển chọn từ giải U19 mới kết thúc, và có nền tảng là U19 PVF và Viettel (2 đội vào Chung kết). Tức là họ cũng ăn tập với nhau nhiều năm rồi. Ở nhiều trận đấu, PVF còn chiếm tới 2/3 đội hình chính. Nên, phủ nhận thực tế ấy nếu cộng thêm một thực tế là U19 Thái Lan cũng không ăn tập với nhau nhiều năm (như khi U19 Việt Nam là U19 HAGL) sẽ là một sự bào chữa vụng về.

Cần phải nói thêm lứa cầu thủ trẻ PVF và Viettel hiện tại là không tồi. Bởi PVF khi chơi ở giải U19 năm 2015 đã áp đảo, “như Thái Lan đá với các đội Đông Nam Á”, còn Viettel tiệm cận tới trình độ đó. Nhưng, một phiên bản Thái đá với Thái thật thì khoảng cách quá lớn.

5. Thay lời kết

Bản thân người viết không cay cú với tỉ số 6-0, không nuối tiếc khi lần thứ 3 chúng ta bại trận ở chung kết U19 Đông Nam Á. Vì suy cho cùng nó chỉ là bóng đá trẻ. Nhưng băn khoăn ở chỗ trình độ kỹ thuật, tư duy chiến thuật, tiếp tục là một tuyến đội tuyển không lối chơi bản sắc thì đầu ra trong tương lai thế nào?

Lời kết ở đây chúng tôi muốn gửi gắm cho tất cả, từ những người hâm mộ, các độc giả của Thể thao & Văn hóa cho tới các chuyên gia, những người trực tiếp làm công tác đào tạo và huấn luyện cũng như cả các quan chức quản lý bóng đá. Xin hãy chia sẻ những trăn trở và phát kiến của mình, gửi tới Thể thao & Văn hóa, biết đâu tương lai tươi sáng lại bắt đầu từ đây.

Địa chỉ gửi bài viết: [email protected], [email protected]

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm