Khi mạng xã hội khiến vương miện hoa hậu 'lung lay'

16/09/2016 07:11 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Đánh giá chuyên môn của ban giám khảo trong các cuộc thi sắc đẹp là điều đưa một cô gái lên ngôi hoa hậu nhưng người đội chiếc vương miện ấy có thể để tuột nó khỏi tay bất cứ lúc nào nếu có những lời nói thiếu cẩn trọng trên mạng xã hội.

Trong thời đại mà Facebook, Twitter, Instagram… đang giúp mọi người tương tác và tìm hiểu về nhau quá dễ dàng, khái niệm về “trang cá nhân” vô tình trở nên mơ hồ, thậm chí trên mạng còn xuất hiện nhiều cuộc tranh luận kiểu như “tường” nhà bạn thuộc sở hữu cá nhân hay là “sân” chung mọi người.

Kết quả vẫn chưa, và chắc còn lâu mới ngã ngũ, nhưng thực tế là đã có không ít các ngôi sao, trong đó có nhiều cô hoa hậu gặp họa vì những phát ngôn trên trang cá nhân của chính mình.

Hoa hậu Hong Kong “văng bậy” trên Facebook

Mới đây nhất, hình ảnh trong sáng của Phùng Doanh Doanh, người vừa đăng quang Hoa hậu Hong Kong 2016, ít nhiều đã bị hoen ố khi cộng đồng mạng “đào mộ”được những bình luận thô tục mà cô phát ngôn trên Facebook cá nhân cách đây 2 năm.


Tân Hoa hậu Hong Kong Phùng Doanh Doanh

Đơn cử trong số này có bình luận về một quan chức phụ trách vấn đề Thực phẩm và Sức khỏe tại Hong Kong: "Ít nhất ông cũng nên thảo luận với các đồng nghiệp của mình trước khi đưa ra thông báo. Ngay cả các đồng nghiệp cũng không ủng hộ nổi quyết định của ông. Ông làm ăn không ra gì (f**ked up so hard) tới mức tôi không chịu nổi".

Chưa xét tới nội dung đúng sai, nhưng cách lựa chọn từ ngữ của Doanh Doanh đã vấp phải chỉ trích của nhiều người, dù rõ ràng khi đó cô chưa phải là người của công chúng.

Phản ứng trước sự việc, ban tổ chức cuộc thi phải gấp rút bố trí một cuộc họp báo để tân hoa hậu có cơ hội công khai xin lỗi: “Tôi xin lỗi. Tôi còn quá trẻ khi viết ra những lời đó” - Hoa hậu Phùng nói rằng cô là "người lịch sự" và không thường dùng những lời tục khi nói chuyện - "Tôi sử dụng những từ ngữ đó trong một số bài viết chỉ vì cảm thấy quá bức xúc về những việc xảy ra tại Hong Kong vào thời điểm đó".

Hoa hậu tuổi teen Mỹ phân biệt chủng tộc

Chỉ vài tiếng sau khi đăng quang, Hoa hậu tuổi teen nước Mỹ 2016 Karlie Hay đã vấp phải “cơn bão dư luận” đầu tiên.

Sáng 31/7, một số bài viết trên Twitter của Karlie Hay từ năm 2013, trong đó cô dùng nhiều lời lẽ nặng nề, xúc phạm người da màu đã bị dân mạng “khai quật” được và nhanh chóng truyền đi với tốc độ chóng mặt. Sau sự việc, hoa hậu 18 tuổi nhanh chóng khóa tài khoản Twitter nhưng không dẹp được làn sóng chỉ trích. Một số người thậm chí yêu cầu tước vương miện của cô.


Hoa hậu tuổi teen Karlie Hay là đại diện đến từ bang Texas

Trong đoạn viết trên Instagram, Karlie Hay giải thích: "Cách đây vài năm, tôi gặp phải nhiều vấn đề cá nhân và đã làm những điều không đúng với con người mình. Tôi thừa nhận đã sử dụng những từ ngữ đó trong quá khứ, điều không có gì đáng tự hào và biện hộ cả. Nhờ làm việc chăm chỉ, học tập, và qua cuộc thi sắc đẹp này, tôi đã nhận biết được đúng sai.

Có thể nói rằng tôi của ngày hôm nay đã là một con người tốt đẹp hơn. Tôi lấy làm vinh dự khi giữ danh hiệu này và sẽ sử dụng nền tảng ấy để phát huy giá trị của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, của bản thân tôi, tôn vinh sự tự tin, vẻ đẹp và sự kiên trì của mọi phụ nữ".

Trong thông cáo gửi cho tờ E! News, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ viết: "Ngôn ngữ mà Karlie Hay sử dụng đúng là không thể chấp nhận được dù ở lứa tuổi nào và nó không hề phản ánh các giá trị của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Nhưng như Karlie nói, cô ấy đã ở một giai đoạn đặc biệt trong cuộc sống và mắc những sai lầm nghiêm trọng, và cô ấy đã hối cải và thành thật xin lỗi. Chúng tôi luôn ủng hộ cô ấy".

Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan mất ngôi vị vì bình luận chính trị

Không may mắn như hai trường hợp trên, vương miện của Weluree Ditsayabut không thể giữ được lâu kể từ khi cô đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan năm 2014.

Ngay từ thời điểm cuộc thi vừa khép lại, Ditsayabut đã không được lòng số đông khán giả, với nhiều người chê cô gái 22 tuổi là sở hữu khuôn mặt thiếu ấn tượng và vóc dáng không gợi cảm. Mặc dù vậy, ban tổ chức cuộc thi tin rằng Weluree là viên ngọc quý trong làng nhan sắc.


Weluree Ditsayabut là một trong những hoa hậu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì những bình luận của mình trong quá khứ

Rắc rối thực sự xảy ra khi (lại là) cộng đồng mạng tìm được nhiều bình luận thóa mạ phe “áo đỏ” mà người đẹp đăng trên trang cá nhân từ năm 2013, trong đó có đoạn: “Những kẻ độc ác như các người hãy cút khỏi đây. Thái Lan đang bị ô nhiễm vì những người như thế”. Dữ dội hơn, Ditsayabut thậm chí còn kêu gọi “xử tử” những aitheo phe này.

Dư luận tỏ ra rất bất bình trước cách ăn nói của Ditsayabut và yêu cầu ban tổ chức tước vương miện hoa hậu của cô với lý do “không xứng đáng”. Sau nhiều áp lực, tân hoa hậu tổ chức họp báo trao trả vương miện chỉ 3 tuần sau khi đăng quang.

***

“Làm dâu trăm họ” chưa bao giờ là điều dễ dàng từ xưa đến nay, đặc biệt trong các trường hợp trên, các “nàng dâu” đều là những cô gái với tuổi đời còn quá trẻ. Biện pháp tốt nhất cho đến thời điểm này là họ cần cẩn trọng hơn nữa trước khi phát ngôn hay bình luận về vấn đề gì đó, hoặc làm theo “sáng kiến” của Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh là đóng tài khoản cá nhân ngay sau khi đăng quang, rà soát lại mọi thông tin từng đăng tải rồi tính tiếp.

Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm