Người mua nhà chung cư đang lao đao vì tỷ giá

06/12/2010 18:28 GMT+7 | Thế giới

Khoản tiền mua căn hộ đóng theo đợt bỗng nhiên tăng thêm hàng chục triệu đồng khiến nhiều người mua nhà không biết kêu ai.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do mấy hôm nay đã bắt đầu xuống nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với thời điểm ký hợp đồng mua nhà, khiến cho nhiều khách hàng mua căn hộ trung và cao cấp tại Hà Nội khốn đốn. Giới kinh doanh cho rằng yếu tố này càng làm giảm sự hấp dẫn của việc đầu tư căn hộ.

Lao đao vì tỷ giá tăng


nh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chỉ riêng đợt tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD vào ngày 17/8 vừa qua, từ 18.544 VND/USD lên 18.932 VND/USD, thì ngay hôm sau, giá bán USD trên thị trường tự do đã tăng lên mức 19.500 đồng và từ đó đến nay,  tiếp tục tăng từng ngày, và hiện đang ở mức 21.300 đồng/USD.

Như vậy, theo ông Nguyễn Nam Chung, khách hàng mua căn hộ tại Dự án Keangnam Landmark Tower, nhẩm tính với một căn hộ 100 có giá bán 3.000 USD/ thì chỉ sau một đêm, người mua nhà phải thanh toán thêm cho chủ đầu tư hàng chục triệu đồng.

Cùng trong cảnh bỗng nhiên bị phát sinh khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”, sau nhiều lần thương thảo không thành, hàng trăm khách hàng ký hợp đồng góp vốn tại dự án tòa nhà hỗn hợp Hattoco (phường Mỗ Lao- Hà Đông) tiếp tục phản đối chủ đầu tư vì cho rằng họ bị ép mua nhà theo giá ngoại tệ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, cho biết vào tháng 7/2009, bà và nhiều khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn tại dự án tòa nhà hỗn hợp Hattoco do Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Ba Đình (gọi tắt Cty Ba Đình) làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, giá bán căn hộ trung bình là 15,5 triệu đồng/. Khách hàng phải đóng 30% trị giá căn nhà dưới hình thức hợp đồng vay vốn.

Tuy nhiên, đầu tháng 10 vừa qua, sau khi dự án đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng, thì bất ngờ chủ đầu tư lại quy đổi đơn giá từ VND thành USD (với tỷ giá 19.500 VND/USD). Cụ thể, giá ban đầu là 15,5 triệu đồng/ nay được quy đổi thành 797 USD/m²  Không những thế, trong 5 đợt thanh toán tới, chủ đầu tư đã đặt điều kiện với khách hàng tại mỗi đợt thanh toán, nếu tỷ giá VND/USD có biến động thì số tiền thanh toán của mỗi đợt sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm.

“Trong hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư không đề cập gì đến đồng USD, bây giờ lại tính theo giá USD là bắt ép người mua,” bà Ngọc bức xúc.

Chủ một căn hộ 119 cũng tại dự án này - chị Xuân Phương ở Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, cho biết theo hợp đồng góp vốn và bảng giá bằng VND do chủ đầu tư cung cấp thời điểm tháng 7-9/2009, thì giá trị căn hộ của chị là 1,8 tỷ đồng.

Nhưng nay theo cách "tính tiền Việt, đảm bảo bằng giá USD" mà chủ đầu tư nêu trong hợp đồng mua bán, thì "ăn" theo giá USD hiện tại, căn hộ của chị ước tính lên đến 2,2 tỷ đồng, thậm chí khi giá USD cao hơn nữa, số tiền mua nhà còn tiếp tục "đội" lên.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng Hà Nội có tới vài chục dự án bất động sản được niêm yết và thanh toán bằng ngoại hối, cụ thể là bằng USD.

Dự án đầu tiên phải kể đến là tổ hợp Keangnam Landmark Tower trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội) do Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) là chủ đầu tư.

Tiếp đến là căn hộ tại Indochina Plaza (Cầu Giấy) được chào ở 2.800 USD/m²; Royal City (Thanh Xuân) khoảng 1.900-2.300 USD/m²; U silk City: 1.600 USD/m²; Tricon Towers (Bắc An Khánh) khoảng 1.400 USD/m²...

Theo đại diện nhiều sàn bất động sản tại Hà Nội, tình trạng các dự án căn hộ, biệt thự, đất liền kề... tính giá theo giá USD hiện rất phổ biến, diễn ra ở hầu khắp dự án thuộc hàng trung, cao cấp, có yếu tố nước ngoài-nơi tập trung phần lớn nguồn cung căn hộ trong tổng cung của thị trường. Đó là một biện pháp để chủ đầu tư “giữ giá” và thể hiện “đẳng cấp” của mình.

Bảo toàn vốn cho mình, rủi ro "phần" khách hàng

Ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Sacomreal, cho biết có nhiều lý do để chủ đầu tư định giá bất động sản bằng USD. Chẳng hạn, chủ đầu tư dự án là đơn vị nước ngoài nên quen phương án tính toán hiệu quả dự án bằng USD, hay các đơn vị hợp tác cũng góp vốn bằng USD, tính toán chi phí bằng USD. Từ đó công ty quy ra giá bán sản phẩm bằng USD để tiện tính toán.

Tuy nhiên, lý do chính là khi định giá bán sản phẩm bằng USD, chủ đầu tư rất yên tâm vì không lo mất giá. Dự án bất động sản từ khi khởi công đến lúc hoàn thiện bàn giao cho khách hàng thường mất vài năm. Nếu định giá bán bằng VND thì chủ đầu tư thiệt vì quá trình thanh toán kéo dài, trong khi tỷ giá có xu hướng tăng qua các năm.

Quay lại trường hợp của Công ty Ba Đình thì dự án Hatoco không hề có yếu tố nước ngoài, chủ đầu tư là người Việt Nam, nhưng dự án này lại ép đảm bảo theo đồng USD.

Trả lời các thắc mắc của khách hàng về vấn đề giá bán căn hộ phụ thuộc vào tỷ giá USD, ông Lương Văn Phú - Giám đốc kiêm Trưởng ban Dự án, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Ba Đình, khẳng định đây là hợp đồng dân sự, thương thảo giữa hai bên để cùng có lợi. Bên cạnh quyền lợi của khách hàng, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo quyền lợi, doanh thu của mình.

“Chúng tôi chỉ đảm bảo bằng USD chứ không niêm yết bằng USD, khách hàng không ký thì có thể nhận lãi suất 8% theo hợp đồng vay vốn,” ông Phú khẳng định.

Nói về sự “lách luât” này, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Công ty luật Hồng Bách, và cộng sự cho rằng, doanh nghiệp này đã lạm dụng tín nhiệm và lạm dụng vốn của khách hàng.

"Không thể để trường hợp này trở thành tiền lệ về việc đảm bảo giá nhà theo đồng ngoại tệ vì ngoài yếu tố vi mô, nó còn ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tới chính sách ngoại hối đã làm đau đầu các cơ quan quản lý Nhà nước. Cần có chế tài răn đe để tránh tình trạng này trở thành phổ biến trên thị rường. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi công bằng của mình, người mua nhà có thể khiếu kiện doanh nghiệp này,” ông Bách quả quyết.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng đây là cách doanh nghiệp "lèo lá" thêm để tăng giá trị hợp đồng của sản phẩm. Cách đi này của chủ đầu tư thể hiện sự không rõ ràng, không minh bạch.

Từ kinh nghiệm của một chuyên gia đầu ngành về tài chính, ngân hàng, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng cần có chế tài để ngăn "mánh" của doanh nghiệp này để tránh tình trạng lan truyền sang cách doanh nghiệp khác, gây hậu quả khó lường.


Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm