Buộc thôi học vì vi phạm giao thông: quá hà khắc?

11/03/2016 07:32 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sau xe bus, “ô tô điên”, có lẽ, người tham gia giao thông Hà Nội sợ nhất những chiếc xe đạp điện. Những chiếc xe không tiếng ồn, có thể chạy tới 40 km/h âm thầm vượt lên bất cứ lúc nào khiến người điều khiển phương tiện khác không kịp phản ứng.

Nguy hiểm hơn, những chiếc xe điện này thường được người trẻ vị thành niên nông nổi điều khiển. Nên, việc giăng hàng 3, hàng 4 không phải cảnh hiếm. Lạng lách, đánh võng cũng xuất hiện thường xuyên. Còn việc người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm cũng quen thuộc với người Hà Nội. Thực trạng bức thiết này đòi hỏi các biện pháp xử lý của các cơ sở giáo dục.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Trong văn bản, Sở ra đồng loạt giải pháp điều chỉnh hành vi cán bộ ngành giáo dục và học sinh sinh viên. Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong “gói giải pháp” của Sở có nhiều điều đáng lưu ý.

Theo đó, nếu học sinh vi phạm giao thông lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm; vi phạm nhiều lần sẽ bị ghi học bạ, cảnh cáo trước toàn trường, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe.

Câu hỏi đặt ra: Không cho học sinh đến trường có phải là biện pháp kỷ luật mang tính giáo dục?

Cũng như xã hội, trong nhà trường, việc kỷ luật là cần để thiết lập kỷ cương. Nhưng, cách thức kỷ luật buộc thôi học vì vi phạm pháp luật chỉ là lựa chọn dễ dàng cho các trường học song không phải lựa chọn tốt nhất để giáo dục học sinh. Bởi, mọi hình thức kỷ luật đều phải hướng về mục đích cuối cùng: làm các em học sinh tâm phục, khẩu phục chấp hành luật lệ giao thông.

Thực tế, những ai từng đi học đều hiểu, buộc thôi học tạm thời không khiến các em “sợ” pháp luật. Buộc thôi học tạm thời càng không khiến các em hiểu thêm luật. Buộc thôi học tạm thời không bao giờ làm học sinh thấy ăn năn vì hành động vi phạm liên tiếp của mình.

Ngược lại, việc “đá quả bóng giáo dục” sang phía gia đình, địa phương là điều rất kém hiệu quả. Bởi, đơn vị có chức năng giáo dục cũng còn để các em tái phạm nhiều lần thì gia đình, địa phương sao giáo dục nổi?

Các nhà giáo dục cũng chỉ ra rằng, kỷ luật trong giáo dục cứng rắn hay mềm mại không quan trọng bằng việc phải thống nhất với triết lý giáo dục. "Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng".

Đó là slogan được trưng ở nhiều trường học trong thời gian gần đây sau dự án do Trung ương Đoàn, Đài Tiếng nói Việt Nam và tổ chức Plan thực hiện. Tức là, chúng ta đã lựa chọn giải pháp kỷ luật mềm mỏng trong giáo dục. Đương nhiên, nó không đồng nhất với hình thức kỷ luật buộc thôi học tạm thời hà khắc hiện nay.

Về giáo dục, tôi rất nhớ bức tranh “Trường học Athens” của danh họa Raphael. Tâm điểm bức tranh là cảnh thầy trò Plato và Aristotle người chỉ trời, người chỉ đất. Điều này khắc họa châm ngôn của Aristotle: "Thầy đã quý, chân lý còn quý hơn". Điều này cũng góp công mở đường cho nền giáo dục phản biện, sóng sau đè sóng trước nhiều thành tựu của văn minh phương Tây.

Trông người lại nghĩ đến ta, thay vì thầy trò phản biện, cảnh “ông chỉ trời, bà chỉ đất” lại đang tái hiện trong các quyết sách, dự án không thống nhất, “loạn” phương hướng của giáo dục Thủ đô.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm