ASIAD 17: Niềm tin nào cho Olympic Việt Nam

08/09/2014 17:08 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Thuyền trưởng người Nhật Bản, Toshiya Miura rất tin tưởng vào triển vọng đi tiếp của đội tuyển Olympic Việt Nam tại bảng H môn bóng đá nam Đại hội thể thao châu Á - Asiad 17, bảng đấu chỉ có 3 đội. Niềm tin này có gì đảm bảo?

1. Đội tuyển Olympic Việt Nam có gần 1 tháng tập trung tập luyện và thi đấu cọ xát trước trận đầu tiên ở Asiad 17 (với đối thủ mạnh nhất bảng H, Olympic Iran, vào ngày 15/9) sau khi tới Incheon, Hàn Quốc vào ngày 8/9. Có quá ít các trận đấu thử nghiệm đội hình, nên phần lớn thời gian, HLV Miura chủ yếu cho học tập chay, hoặc chia đôi đội hình đá đối kháng. Đây là một bất lợi cho Olympic Việt Nam trong việc làm quen và thích ứng với cường độ vận động mạnh, cũng như tâm lý chiến cho trận đánh lớn.

VFF có vẻ chưa sẵn sàng cho các mục tiêu tại Asiad17. Phần vì sân chơi châu lục vẫn quá tầm với nền bóng đá, nhưng cơ bản, chính những người trong cuộc đã thống nhất với nhau rằng, AFF Suzuki Cup 2014 mới là giải đấu quan trọng nhất trong năm.

Thế nhưng nhiều người vẫn nhớ 4 năm trước, tại Quảng Châu, Trung Quốc, bóng đá trẻ Việt Nam đã bắt đầu thu về những tín hiệu khá lạc quan bằng việc lọt tới vòng 1/8 Asiad 16.

Nếu tính từ thời điểm bắt thăm chia bảng (trung tuần tháng 8/2014), Olympic Việt Nam vẫn còn đủ thời gian chuẩn bị chu đáo hơn, khi đã biết đích xác đối thủ. Nhưng gần như không hành động, hoặc chỉ hành động rất nửa vời, mà cụ thể là việc chọn các đối thủ yếu để đội bóng cọ xát. Thế mới có lập luận, khi chiến công đến (dù tạm thời), đấy là chiến thắng của tinh thần, còn khi thất bại, thì nó luôn là một bài học.

Đội tuyển Olympic Việt Nam (với tập hợp là những cầu thủ trẻ tài năng) là hình hài tương lai của ĐTQG. Những sân chơi như Asiad là rất bổ ích, cho việc tích lũy và học hỏi từ những nền bóng đá mạnh châu lục. Tại sao lại bỏ qua cơ hội 4 năm có một như thế, khi suất chơi vòng 1/8 gần như đã nhìn thấy ngay trước mặt?

2. Cách đây 4 năm, Asiad 16, Olympic Việt Nam gây ấn tượng ở Quảng Châu, Trung Quốc, nhưng không hẳn là bởi suất chơi vòng "knock-out" (sau khi thầy trò HLV trưởng Phan Thanh Hùng là một trong số các đội xếp thứ 3 vòng bảng có thành tích tốt nhất), mà là những bất đồng trong việc phân công công việc và chiếc thẻ đỏ do lỗi triệt hạ rợn người của hậu về Chu Ngọc Anh. Ông Calisto ban đầu thống nhất giao Olymic Việt Nam cho trợ lý Thanh Hùng, nhưng sau đó lại "cướp cò".

Tại Quảng Châu năm ấy, Olympic Việt Nam đã khởi đi đầy hanh thông sau chiến thắng 3-1 trước Bahrain, song bất ngờ bị Turkmenistan đánh bại bằng tỷ số 1 set tennis (2-6) và thua tiếp Iran 0-1. HLV Calisto khi đó bị cho là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Sự có mặt của ông "Tô" ở Quảng Châu (sau lượt trận đầu tiên vòng bảng), xáo trộn cabin BHL và gây bầu không khí căng thẳng trong nội bộ đội.

Cùng với thất bại của đội Olympic,  đội tuyển Việt Nam biến thành cựu vương, sau hai trận bán kết lượt đi-về với Malaysia ở AFF Suzuki Cup. 4 năm sau cơn "tai biến" ấy, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể gượng dậy được, thậm chí có nguy cơ tiếp tục trượt dài, sau các nghi án tiêu cực và dàn xếp tỷ số bị phanh phui.

3. HLV Toshiya Miura được phép tham khảo để không đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm, với khái niệm gọi là "bá quyền". Nếu ông đã cam kết (tự nguyện) với VFF, truyền thông và cả người hâm mộ, rằng sẽ đem về lại chiếc Cúp AFF cho bóng đá Việt Nam, ông phải sẵn những tính toán và phải biết hy sinh, thay vì quá dàn trải. Một nách 2 con, ắt sẽ có đứa no, đứa đói. Toshiya Miura đi Hàn Quốc, cho một sân chơi không có mục tiêu cụ thể nào, vậy đội tuyển Việt Nam để lại cho ai?

Tất nhiên là cho các trợ lý, bởi tính ra, đến gần 3 tháng nữa AFF Suzuki Cup 2014 mới khai cuộc, thì sao phải vội? Hoặc kiểu gì Olympic Việt Nam chả bị loại, không phải ở vòng bảng thì là tại "knock - out"? Suy nghĩ và tính toán như thế thật sai lầm và nguy hiểm, bởi rõ ràng Asiad 17 là giải đấu chính thức đầu tiên của đội tuyển dưới “triều đại” Toshiya Miura. Thành thì tốt, nhưng bại cũng chẳng sao cả, đấy là đối với ông chủ VFF, nhưng với HLV Miura và một bộ phận người hâm mộ, truyền thông, thì nhiều vấn đề đấy!

Những ngày đầu, Toshiya Miura được đánh giá cao bởi bầu nhiệt huyết và sự nghiêm khắc, nhưng nếu ông chọn Asiad 17 làm bệ phóng hoặc "lấy số", khó đảm bảo đó là sự lựa chọn thông minh. Có khi xôi hỏng bỏng không, thậm chí mất cả chì lẫn chài chứ chẳng đùa!


Trần Hải
Thể thao& Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm