Đề thi Ngữ văn Thi tốt nghiệp THPT 2024

27/06/2024 11:26 GMT+7 | Tin tức 24h

Sáng 27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 – môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút.

Tiếp tục cập nhật...

Đề thi Ngữ Văn bám sát thực tiễn, không có câu hỏi đánh đố

Sáng 27/6, thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 đã hoàn thành môn thi Ngữ văn. Nhiều giáo viên nhận xét đề thi năm nay sát với thực tế, không có câu hỏi đánh đố học sinh.

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ Văn, Hệ thống Giáo dục Vinschool nhận xét: Đề thi môn Ngữ văn bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Viết (7 điểm).

Ở phần Đọc hiểu, văn bản ngữ liệu được trích trong tác phẩm "Dòng sông và những thế hệ của nước" của tác giả Nguyễn Quang Thiều. Hệ thống câu hỏi ở phần này phân hóa theo các thang mức độ: Nhận biết (Câu 1); Thông hiểu (Câu 2, 3) và Vận dụng (Câu 4). Khi trả lời các câu hỏi này, học sinh cần trả lời đúng, đủ trọng tâm, cụ thể.

Ở phần Làm văn (Vận dụng cao), phần viết đoạn văn nghị luận xã hội – trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính; phần nghị luận văn học đề ra vào tác phẩm Đất Nước, đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm. Phần câu hỏi phụ yêu cầu học sinh chỉ ra chất suy tư đan xen với cảm xúc trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích. Đề thi tương đối phù hợp với khả năng của học sinh, phần câu hỏi phụ có tính phân hóa học sinh cao.

Theo cô Quỳnh Anh, đề thi này không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường Đại học. Điều quan trọng là thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, cần dành khoảng 20 đến 25 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút.

Cô Nguyễn Thị Thư, giáo viên Trường Tiểu học – Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội) phân tích: Câu 1 phần Đọc hiểu thay vì hỏi về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ… như các đề học sinh thường ôn luyện thì được thay bằng một câu khác, tuy nhiên câu hỏi vẫn nằm trong mức độ nhận biết. Phần Đọc hiểu vẫn đảm bảo có sự phân hoá nhưng mức độ phân hóa của đề chưa cao. Nếu học sinh cẩn thận, đọc kĩ ngữ liệu thì không quá khó để giải quyết các câu hỏi ở mức 3, mức 4. Bức thông điệp mà tác giả gửi gắm thông qua đoạn trích cũng khá nổi bật.

Về phần Làm văn, đối với vấn đề nghị luận này, học sinh sẽ tự tin nêu quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Cùng với kĩ năng làm văn nghị luận xã hội đã được rèn luyện, các em sẽ không bị lúng túng khi bắt gặp đề bài này.

Ở phần nghị luận văn học, điểm đáng chú ý, năm nay là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa. Bài "Đất Nước" cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm của chương trình dạy học và ôn luyện thi. Yêu cầu phụ của đề cũng không quá khó, giúp học sinh đánh giá được giá trị nghệ thuật của đoạn trích nói riêng và đặc điểm phong cách của tác giả nói chung. Tuy nhiên, ngữ liệu văn bản hơi dài, học sinh sẽ khá khó khăn trong việc cân bằng thời gian và bố cục bài làm.

Cô Nguyễn Thị Thư cho rằng, với đề thi này, học sinh không khó để đạt được mức 6 – 7,5 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm cao, học sinh sẽ phải có những phần phân tích, bàn luận sâu cũng như liên hệ, mở rộng nâng cao, tô sáng bài làm của mình.

Cô giáo nhận xét đề thi Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Đề thi không có câu hỏi lạ, độ phân hoá học sinh cao

Trên Báo GD&TĐ, cô Chu Thị Luyện, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn nhận xét, đề thi môn Ngữ văn bám sát cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT.

Cách đặt vấn đề các câu sát với thực tế, không có câu hỏi dạng lạ, đánh đố học sinh mà khá quen thuộc, thậm chí đã ra kiểu câu hỏi như vậy ở nhiều năm trước.

Cụ thể từng phần, đối với đọc hiểu:

Câu 1: không còn hỏi về phương thức biểu đạt chính mà yêu cầu nhận biết về nội dung thông tin trong văn bản. Hàng năm câu một này thường giúp thí sinh "chống liệt" nhưng với cách hỏi năm nay có lẽ một số thí sinh sức học Trung bình sẽ dễ mất điểm ở câu này.

Câu 2: thí sinh có thể làm nhanh chóng không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ.

Câu 3: ở mức độ thông hiểu, tuy nhiên từ câu này sẽ có tính phân hoá thí sinh cao.

Câu 4: là một câu hỏi khá mở, dạng câu hỏi như thế này giúp khai thác được quan điểm, thái độ, lập trường, tình cảm, tư tưởng của thí sinh. Tuy nhiên, đề thì mở nhưng đáp án chưa chắc mở, khiến giám khảo khó chấm điểm và thí sinh vẫn phải viết trong một khuôn khổ nhất định mới có điểm trọn vẹn.

Phần nghị luận xã hội, thí sinh có thể phát huy quan điểm cá nhân, đặc biệt đối với thí sinh chuyên văn sẽ có nhiều "đất" viết để thể hiện năng lực ở đoạn văn của mình.

Nghị luận văn học, ngữ liệu được chọn là đoạn đầu của trích đoạn Đất Nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm: đoạn ngữ liệu quen thuộc, khơi gợi được cảm xúc của thí sinh về cội nguồn Đất Nước và có lẽ đúng với dự đoán và mong đợi của nhiều thí sinh năm nay.

Các yêu cầu phân tích và yêu cầu phụ vừa sức, thí sinh có thể đạt điểm cao ở câu này.

Đề thi Ngữ văn Thi tốt nghiệp THPT 2024 - Ảnh 1.

Các thí sinh tại điểm thi trường THPT Đào Duy Từ (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Đề thi Ngữ văn Thi tốt nghiệp THPT 2024 - Ảnh 1.

Đề thi, đáp án môn Ngữ văn sẽ được Báo Thể thao và Văn hóa cập nhật ngay sau khi thí sinh rời khỏi phòng thi.

Môn duy nhất thi theo hình thức tự luận

Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận, thí sinh có thể ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.

Các thí sinh lưu ý nắm chắc các mốc thời gian quan trọng được quy định trong lịch thi để chủ động đến sớm và chuẩn bị cho mình một tinh thần tốt nhất trước khi vào làm bài thi, tránh những trường hợp đến quá sát giờ. Trước khi vào phòng thi, có tình huống thí sinh quên mang Giấy báo dự thi, Căn cước công dân. Trường hợp này, thí sinh cần bình tĩnh, nhờ thầy cô giám thị hỗ trợ làm giấy cam kết để đủ điều kiện thi bình thường.

Đề thi Ngữ văn Thi tốt nghiệp THPT 2024 - Ảnh 1.

Phụ huynh chúc con thi tốt tại điểm thi trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Theo quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định. Nếu thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin vào đề thi, giấy thi, giấy nháp. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài.

Trong thời gian ở phòng thi, thí sinh phải giữ trật tự; báo cáo ngay cho cán bộ coi thi khi người khác chép bài hoặc cố ý can thiệp vào bài của mình; không được trao đổi, bàn bạc, chép bài của người khác, cho người khác chép bài, sử dụng tài liệu trái quy định để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận. Nếu muốn có ý kiến, thí sinh phải giơ tay xin phép cán bộ coi thi, sau khi được phép, thí sinh đứng trình bày công khai ý kiến của mình.

Đề thi Ngữ văn Thi tốt nghiệp THPT 2024 - Ảnh 2.

Giám thị kiểm tra thẻ dự thi của các thí sinh trước khi vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Đào Duy Từ (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Trong trường hợp cần thiết, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của Công an cùng cán bộ giám sát cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do Trưởng điểm thi quyết định.

Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, thí sinh phải ngừng làm bài ngay, bảo quản nguyên vẹn bài thi. Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), Phiếu trả lời trắc nghiệm (đối với bài thi trắc nghiệm).

Những năm gần đây, cấu trúc đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông môn Ngữ văn giữ ổn định, không thay đổi với 2 phần: Đọc - hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Do vậy, các giáo viên lưu ý thí sinh cần có sự đầu tư đúng mức cho tất cả các phần, tránh mất thời gian quá nhiều cho riêng một nội dung.

Ở phần Đọc hiểu, học sinh cần chắc chắn kiến thức Tiếng Việt, có khả năng tư duy. Phần Làm văn, học sinh cần nắm vững về nội dung, đặc sắc nghệ thuật, giá trị tư tưởng của các tác phẩm văn học. Đối với dạng đề văn nghị luận xã hội, học sinh cần cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình làm bài, có vốn hiểu biết phong phú. Đặc biệt, tránh nhầm lẫn hình thức bài làm một đoạn văn (có giới hạn về số chữ) chứ không phải một bài văn.

Nhóm P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm