Nhà văn Kim Hài: Tôi hân hoan khi viết cho thiếu nhi

23/07/2025 08:45 GMT+7 | Văn hoá

Trong làng văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay, hiếm có nhà văn có sức viết bền như nhà văn Kim Hài. Thành danh từ sớm, bà có khá nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, sách tham khảo như: Đôi bạn và hai chú chim non (sách Tiếng Việt 1, bộ Chân trời sáng tạo), Con kênh xanh xanh (sách Tiếng Việt 2, bộ Cánh Diều)... Với hơn 60 năm cầm bút viết cho thiếu nhi, tuổi mới lớn, bà trải lòng về đam mê của mình:  

Xem chuyên đề Gặp gỡ các tác giả trong SGK TẠI ĐÂY

* Thưa nhà văn Kim Hài, là người gắn bó với văn học thiếu nhi từ rất nhiều năm, bà có thể phác họa lại những bước thăng trầm của nó?

- Tôi viết từ khá sớm, tác phẩm đầu tay in năm 1970. Nhưng phải khoảng 10 năm sau năm 1975, tôi mới thấy không khí viết văn học thiếu nhi nhộn nhịp trở lại. Sự nhộn nhịp này là nhờ sự phát triển những tờ báo, tạp chí dành cho thiếu nhi đã dành ra phần đất khá đáng kể cho văn chương. Bên cạnh đó là sự cộng hưởng của những nhà xuất bản như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng... Lúc đó NXB Trẻ có cuộc thi "Vì tương lai đất nước" thu hút đông đảo các tác giả. Chính không khí ấy đã giúp cho nhiều người cầm bút viết lại. Và trong đó có tôi. Tôi nghĩ rằng đó là một dấu ấn đáng nhớ.

Cho đến hôm nay thì văn học thiếu nhi TP.HCM có thể nói đã phát triển. Chỉ buồn một nỗi, sự phát triển ấy lại tỉ lệ nghịch với số lượng độc giả thiếu nhi đón nhận tác phẩm. Ở một thành phố lớn như TP.HCM càng thấy rõ điểm này: Chúng ta cần chấp nhận việc công nghệ thông tin đã chiếm một phần lớn trong đời sống mọi người nói chung và cả thiếu nhi nói riêng, ảnh hưởng không nhỏ tới thời lượng đọc sách của các em. Chính điều này làm cho các nhà xuất bản cũng lao đao và đương nhiên người viết văn học thiếu nhi vì thế cũng chịu ảnh hưởng rất lớn.

 Nhà văn Kim Hài: Tôi hân hoan khi viết cho thiếu nhi - Ảnh 1.

Nhà văn Kim Hài

* Có một giai đoạn gián đoạn với văn chương, nhà văn Kim Hài đã gác bút đi làm những công việc khác, thậm chí cả những công việc chân tay. Phải chăng đó là giai đoạn "cơm áo không đùa với khách thơ" và với nhà văn Kim Hài cũng không làm ngoại lệ?

- Thực ra 1, 2 năm đầu tiên, tôi cũng từng nghĩ đó là do cơm áo nhưng sau đó, khi có một khoảng lùi để nhìn lại, tôi nhận ra là do mình ái ngại, chưa hội nhập được với những thay đổi trong cuộc sống. Tôi vẫn luôn nghĩ mình phải hội nhập với cuộc sống trước rồi mới viết. Nếu vẫn bê nguyên cách viết của ngày xưa thì rất có thể không nhận được ủng hộ từ độc giả, còn các nhà xuất bản cũng sẽ không nhìn nhận mình nữa...

Sau đó, có những cơ duyên từ bè bạn, tôi được khuyến khích, tạo cơ hội để viết tiếp. Khi mới trở lại với văn chương, tôi không viết cho trẻ em nữa mà chuyển sang viết kịch bản phim cho người trưởng thành. Cho đến khi NXB Trẻ có những cuộc thi, có những tủ sách như tủ sách "Áo trắng", tủ sách dành cho "Tuổi mới lớn" thì tôi mới bắt đầu mạnh dạn quay lại với văn chương dành cho thiếu nhi.

"Khi viết cho thiếu nhi mình có thể chủ động đưa đến những điều tốt đẹp cho các em. Gieo vào trong lòng các em những điều tốt đẹp cũng là một cách mình nuôi dưỡng tâm hồn mình, những phước lành của đời mình" - NHÀ VĂN KIM HÀI.

* Vậy khoảng lặng với những công việc lao động vất vả ấy có giúp ích gì cho khi quay trở lại với con đường văn chương hay không?

- Điều đáng quý nhất ở giai đoạn đấy là tôi có được nhiều kinh nghiệm. Khi đi làm guốc, tôi tự mình làm rất nhiều, từ mọi công đoạn đi mua, đi bán... và trong quá trình đi lại ấy, tôi đã đi vào tận những vùng quê hẻo lánh để mua những phôi guốc, nhờ đó mà tôi nhìn thấy được thực tế cuộc sống của các em trong giai đoạn đó.

Rồi tôi làm công việc bán vé cho Nhà nghệ thuật quần chúng, nơi nhạc sĩ Tôn Thất Lập làm giám đốc. Ở môi trường đó, kinh nghiệm xã hội có rất ít nhưng tôi lại có cơ hội gặp rất nhiều người làm nghệ thuật vẫn thường xuyên lui tới. Chính những mối quen biết đó, cùng với việc đối thoại qua lại trong môi trường đặc biệt ấy đã nuôi dưỡng cho tôi hy vọng rằng mình có thể viết tiếp. Cái duyên văn chương tiếp tục được nối lại chính từ những ngày tháng đó…

 Nhà văn Kim Hài: Tôi hân hoan khi viết cho thiếu nhi - Ảnh 3.

Bài “Con kênh xanh xanh” của Kim Hài trong sách “Tiếng Việt 2”, bộ Cánh Diều

* Có thể thấy rõ nét trong tác phẩm của nhà văn Kim Hài là phong cách dung dị, nhân văn nhưng hơi buồn. Phải chăng vì những câu chuyện gặp buồn nhiều hơn vui?

- Thực sự, tôi không biết tại sao mình lại không viết được những chuyện khôi hài cho mọi người cười. Nếu có thì chỉ một vài đoạn, dăm ba trang vui vui thế thôi.

Chính vì không có khả năng viết những câu chuyện vui nên dần dần hình thành nên phong cách: Những câu chuyện tôi viết ra thường đi vào đề tài tâm lý xã hội và cuộc sống của các em.

Từ rất lâu rồi, tôi thường có thói quen quan sát các em, để ý xem thế giới nội tâm của các em như thế nào, rồi mình vận vào, đặt mình vào đời sống của các em để nghĩ và viết. Và tôi nhận ra, trẻ em có đời sống, cảm nhận và những trải nghiệm riêng của chúng mà người viết cần phải thật thận trọng khi viết về thế giới ấy. Mình không thể để cho các em bị những điều ganh ghét, thù hận lôi kéo. Bởi nếu để cho trẻ em lớn lên từ thù ghét thì sau này sẽ có nguy cơ gây ra những điều xấu kế tiếp. Đó là lý do, tôi không muốn viết đến tận cùng của cái xấu. Với trẻ em, khi mình đưa ra những điều xấu quá thì chúng sẽ ghét bỏ và tạo ra những sự thù hận ở trong lòng, điều này rất không nên.

Cần để các em ở một trạng thái "bình bình", kể cả với những việc thù ghét. Ghét rồi qua, rồi bỏ. Và ngược lại, cần nuôi dưỡng, vun xới những điều tốt đẹp trong thế giới ngây thơ, hiền lành của các em.

* Hiện đã cao tuổi nhưng vẫn tiếp tục viết cho thiếu nhi, vẫn âm thầm tham gia thúc đẩy văn hóa đọc (nhà văn Kim Hài là Trưởng ban giám khảo Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc),... Vì sao thiếu nhi vẫn là đối tượng bạn đọc khiến bà gắn bó lâu bền đến vậy?

- Thực ra khi viết cho thiếu nhi đến một độ chín nào đó thì rất khó để từ bỏ, vì thiếu nhi biết tôi, các nhà xuất bản biết tôi, các bạn văn biết tôi là một người viết cho thiếu nhi. Chính công việc viết cho thiếu nhi đã giúp tôi được tiếp xúc nhiều với các em và được nhiều người biết đến.

Tuy vậy, sự nổi tiếng hay thành công không phải là điều tôi nhắm tới khi viết. Trước hết, viết cho thiếu nhi khiến tôi cảm thấy háo hức, hân hoan. Và sau đó nữa tôi nhận thấy rằng, khi viết cho thiếu nhi mình có thể chủ động đưa đến những điều tốt đẹp cho các em. Gieo vào trong lòng các em những điều tốt đẹp cũng là một cách mình nuôi dưỡng tâm hồn mình, những phước lành của đời mình.

Vài nét về nhà văn Kim Hài

Nhà văn Kim Hài tên thật là Đào Thị Thái, sinh năm 1946, tốt nghiệp Đại học Khoa học, chuyên ngành Địa chất. Hiện sống tại TP.HCM.

Bà đã sáng tác hàng loạt các tác phẩm như: Bình minh màu mực tím, Giọt sương hèn mọn, Cánh diều mơ ước, Mùa trăng, Cò trắng vườn chim, Giã từ tuổi nhỏ, Ong bán Tết, Mặt trời rực rỡ, Ngày mai, đã muộn rồi, Những ô cửa sáng đèn, Trang trại Bình Minh, Con kênh xanh xanh, Ngọn xanh ngọn đỏ, Đi chợ mùa nước nổi, Đêm Ok Om Bok, Toto chú chó với ước mơ bay...

Giải thưởng: Giải Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước lần I và lần II. Giải Truyện ngắn cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UNICEF và Hội Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Việt Nam. Giải Truyện ngắn dành cho tuổi mầm non do NXB Giáo dục và Vụ Mầm non tổ chức.

Khôi Nguyên Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm