Hà Nội - Thành phố sáng tạo: Nguồn lực nội sinh

29/09/2020 07:00 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Có một trùng hợp khá thú vị: Hình tượng con rồng được nhắc tới khá nhiều trong những tham luận tại hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội” vào sáng qua 28/9.

Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Hà Nội

Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Hà Nội

Ngày 28/9, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo" của Thủ đô Hà Nội.

Điển hình trong số đó là tham luận của ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Với cái tên “Hãy để rồng thiêng được cất cánh”, ông nói: Di sản quý giá nhất của thành phố Hà Nội chính là sự hợp nhất về tinh thần, một sự gắn kết về văn hóa - những đặc điểm dường như dễ thấy ở một ngôi làng nhỏ hơn là một đô thị phồn hoa”.

Còn ở góc độ khác, khi thành tựu về phát triển văn hóa của Hà Nội được nhắc tới, một số chuyên gia cũng đã bày tỏ sự hào hứng với việc chúng ta đã vượt qua sự băn khoăn từng có trong quá khứ, rằng thủ đô của nước Việt Nam sẽ chỉ là “một con rồng đang ngủ”.

Dễ hiểu về sự so sánh ấy, khi mà lịch sử gắn với tên Thăng Long của Hà Nội vẫn luôn được nhắc lại trong những năm qua - để rồi, hình tượng con rồng cất cánh bay lên vẫn mặc định được coi là biểu trưng giàu sức hút nhất về khả năng phát triển, cũng như đón vận hội mới của thành phố này.

Và thực tế, cuộc hội thảo sáng 28/9 cũng diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đã được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO - một minh chứng về cảm hứng và khao khát thay đổi của thành phố, thay vì chỉ ôm lấy những giá trị cũ.

***

Cũng cần nhắc lại, quãng thời gian 1.010 năm từ khi cái tên Thăng Long ra đời cũng là lịch sử hình thành các hệ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc thù của Hà Nội.

Bởi thế, tại hội thảo, hầu hết các tham luận cũng đều nhắc tới ưu thế tuyệt đối, riêng có của Thăng Long - Hà Nội với lịch sử hơn 1.000 năm hình thành và phát triển của mình. Như lời một lãnh đạo thành phố, vùng đất này là nơi hội tụ văn hoá mọi vùng miền để chắt lọc nên giá trị Thăng Long - Hà Nội, được kết tinh trong chiều sâu cốt cách con người Hà Nội, mang nét đặc trưng riêng văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Đó là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất, với một Hà Nội có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” để trở thành trung tâm văn hóa.

Chú thích ảnh
Lễ công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Ảnh: TTXVN

Những di sản ấy có thể nổi trội, đã hình thành từ rất nhiều thế kỷ - và cũng có thể chỉ là những phần di sản phi vật thể vô hình, nằm ẩn đâu đó trong lối sống, ký ức của những lát cắt rất bình thường. Và, khi được tiếp cận hợp lý, chúng lập tức được đánh thức và lập tức cho thấy giá trị của mình. Điển hình, tại hội thảo, đã có ý kiến nhắc tới thành công của dự án Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Tại dự án này, quận Hoàn Kiếm đã chủ động mời, trao cho nhóm nghệ sĩ quyền năng “hô biến”, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ một bức tường chống lấn chiếm và khu vực vốn là mặt sau của khu dân cư tập trung nhiều rác thải- để rồi không gian ấy sớm trở thành một điểm tham quan hấp dẫn về văn hóa của thành phố...

Có nghĩa, cho dù “thành phố sáng tạo” là một khái niệm còn tương đối mới với cộng đồng, chắc chắn những di sản văn hóa của Hà Nội vẫn sẽ là nguồn lực dồi dào để làm động lực cho sự sáng tạo của tương lai.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm