Djokovic có thể bắt kịp thành tích của Nadal và Federer trong 2 năm nữa

16/07/2015 06:36 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Với 2 Grand Slam và 4 Masters 1000 có được cho đến thời điểm này của mùa giải, Djokovic đang tái hiện lại hình ảnh đỉnh cao của chính mình trong năm 2011 khi anh giành được 3 Grand Slam và 5 Masters 1000.

Khái niệm Big 4 trong tennis được lập ra để ám chỉ sự vượt trội và thống trị của Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic và Andy Murray. Kể từ mùa giải 2009, nhóm Big 4 đã giành 23/27 Grand Slam cùng 52/59 danh hiệu Masters 1000.



Tuy nhiên trên thực tế, có sự phân hóa khá rõ rệt ngay chính trong bộ tứ này. Nếu như giai đoạn 2009-10 là cuộc đua song mã của Federer và Nadal thì giai đoạn 2011-14 chứng kiến cuộc đua tranh của Nadal và Djokovic, trong đó Djokovic thống trị gần như tuyệt đối sân chơi Masters 1000 với 19 danh hiệu giành được trong giai đoạn này, bao gồm kỉ lục 12 chiến thắng liên tiếp ở các trận chung kết (từ Shanghai Masters 2012 – Rome Masters 2015). Mặc dù đã giành được 2 Grand Slam trong giai đoạn này nhưng Murray đang có dấu hiệu chững lại khi những thành công đó đã không thể giúp anh có một cú bật lớn về chuyên môn cũng như tinh thần giống như Djokovic đã làm được kể từ chiến thắng ở Davis Cup 2010.

Tuy nhiên, cán cân quyền lực trong năm 2015 hiện đang nghiêng dần về phía Djokovic khi Nadal, đối thủ chính của Djokovic trong 4 năm qua đang đánh mất sự lì lợm và thể hiện một sự bất ổn vô cùng lớn về mặt tâm lý. Anh chỉ giành được 2 chức vô địch ATP 250 (cấp độ thấp nhất trong hệ thống ATP World Tour) với chỉ 1 lần vào chung kết Masters 1000 (Madrid – thua Murray 0-2) và 2 lần bị loại ở tứ kết Grand Slam. Với những gì đã thể hiện, không mấy ai tin tưởng rằng Nadal sẽ duy trì thành tích giành ít nhất 1 Grand Slam và 1 Masters 1000 sang năm thứ 11 liên tiếp khi mùa giải chỉ còn lại 1 giải Grand Slam và 4 Masters 1000. Trong khi đó, người được kỳ vọng rất nhiều vào việc tạo ra cuộc đua tranh sòng phẳng với Djokovic là Murray đã tiếp tục chứng minh vì sao mình luôn là kẻ ngoài cuộc ở những trận đấu lớn khi 8 lần thất bại liên tiếp trước Djokovic kể từ sau chung kết Wimbledon 2013. Còn Federer? Djokovic đã trở thành tay vợt thứ 2 sau Nadal đánh bại Federer ở 2 trận chung kết Grand Slam liên tiếp trên mặt sân được coi là thánh địa của tàu tốc hành. Với tuổi 34 cận kề, có lẽ trận thua vừa rồi của Federer sẽ là lần cuối anh xuất hiện trong một trận chung kết Grand Slam.

Những gì Djokovic thể hiện trong 1 năm qua là thực sự ấn tượng khi nhìn vào bảng so sánh dưới đây trong 52 tuần gần nhất:



(1): Số trận thắng                (4): tỉ lệ thắng điểm giao bóng 2

(2): Số trận thua                    (5): tỉ lệ trả giao bóng thắng điểm

(3): tỉ lệ thắng điểm giao bóng 1    (6): tỉ lệ thắng điểm trả giao bóng / tỉ lệ thua điểm giao bóng (Dominance Ratio: tỉ lệ áp đảo)

Cần biết thêm một chút về tỉ lệ DR. DR =1 có nghĩa là 2 tay vợt thi đấu ngang ngửa; 1.1 là một chiến thắng sít sao và cao hơn 1.1 là một chiến thắng dễ dàng. Tỉ lệ này phản ánh rất rõ trong 7 trận thua của Djokovic trong 1 năm qua: thấp nhất 0.65 trước Tsonga tại Montreal Masters 2014 và cao nhất 1.07 trước Nishikori tại US Open 2014.

Sự vượt trội của Djokovic còn được thể hiện khi anh có tới 14 set thắng với tỉ số 6-0, trong đó có những nhà vô địch Grand Slam như Stan Wawrinka, Andy Murray hay Marin Cilic. Thêm vào đó, thành tích đối đầu với top 10 và top 20 của Djokovic cũng vô cùng ấn tượng.


Djokovic đang thể hiện một sự vượt trội toàn diện so với phần còn lại của làng tennis nam trong một giai đoạn được đánh giá là có tính cạnh tranh cao hơn nhiều so với thời hoàng kim 2004-07 của Federer. Trong vòng 2 năm tới, nếu không có sự vùng lên của Nadal, Murray, Wawrinka hay sự trỗi dậy của những nhân tố tiềm năng như Nishikori, Del Potro, sẽ không bất ngờ nếu thế giới tennis sẽ tiếp tục đặt dưới gót thống trị của Djokovic. Và khi đó, con số 14 Grand Slam của Nadal hay 17 của Federer sẽ là những cột mốc không khó cho Djokovic có thể chạm tới.

Kim (từ Anh quốc)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm