Sự kỳ diệu của Đờn ca Tài tử

01/05/2014 08:00 GMT+7 | Văn hoá


(giaidauscholar.com) - LTS. Ngày 25 - 29/4, tại Bạc Liêu, đã diễn ra Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên. Sau khi được UNESCO công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại (12/2013), Đờn ca tài tử nhận được nhiều hơn sự quan tâm của công chúng. Bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên từ Aust ralia cung cấp thêm những thông tin thú vị còn ít được biết đến về dòng nhạc và văn hóa âm nhạc đặc sắc vùng Nam bộ.

Hội chợ Triển lãm Toàn cầu năm 1900 ở Paris (Exposition Universelle 1900) là một sự kiện quan trọng và hoành tráng của thế giới vào đầu thế kỷ 20. Trong bối cảnh này, một sự kỳ diệu đã xảy ra: Đờn ca tài tử từ Nam kỳ kết hợp với vũ điệu Cam Bốt của nghệ sĩ ballet nổi tiếng người Pháp, cô Cléo de Mérode và đoàn vũ công người Ý để trình diễn tại Nhà hát Đông Dương (Théâtre Indo-chinois) trong chương trình chính thức của hội chợ. Sự kiện này đã được phổ biến rộng rãi trên các báo chí tại Pháp như là Le Gaulois, Le Figaro, Le Petit Parisien, Le Ménestrel, và nhiều báo chí khác.

Chương trình biểu diễn của Ban Tài tử tại Hội chợ Paris 1900 khai mạc ngày 28/6/1900 ở Nhà hát Đông Dương và kéo dài hơn 5 tháng. Nhà phê bình nghệ thuật, ông Arthur Pougin đã ghi lại về dư luận của Pháp lúc đó:

“…Người ta đã bàn tán ồn ào sôi nổi rất nhiều về Nhà hát Đông Dương này. Bảo đảm, tôi không muốn nói xấu điều gì, và cảnh trình diễn mà nhà hát cống hiến cho công chúng là chắc chắn sẽ không có thiếu một sự thú vị nào đó. Nhưng cuối cùng, giá bán các vé khá đắt (giá cho đến năm franc) với lý do biện minh là họ có thể chứng tỏ cho công chúng thấy một vài đòi hỏi cao về buổi trình diễn…”

(Báo Le Ménestrel, chủ nhật 14/10/1900 (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp).

Nhà văn người Pháp Maurice Talmeyr đã mô tả chi tiết về buổi trình diễn của Ban Tài tử và cô Cléo de Mérode ở Nhà hát Đông Dương như sau:

“…Dưới trang phục tất cả óng ánh vàng, đầu đội “mas”, một loại vương miện hình tháp nón, các vũ công lắc mình và đung đưa thân hình. Ánh sáng đèn điện phủ khắp đoàn vũ công, những đồ trang sức vàng mạ, những đồ sơn mài, đồ trang trí, những gương mặt đánh sáp mờ ảo của các nhạc công ngồi xổm, với âm nhạc nhè nhẹ, lanh lảnh, và hơi nhôn nhốt chua, vang âm, lên, cuồn cuộn theo điệu múa, cuộn lẫn nhau như một họa tiết Joli (vignette Joli), có một chút tính chất trẻ con. Toàn bộ tập hợp này rất dễ chịu. Nhưng minh tinh Cam Bốt nào mà tôi thấy nhảy múa trước mắt tôi trong cảnh trí Đông Dương này?... Cô Cléo de Mérode!. Vâng, chính cô Cléo de Mérode với các băng-đô của cô ấy!”.

Trong bài viết “Âm nhạc Dân tộc học: Ghi chú tại Triển lãm Toàn cầu 1900” đăng trên báo Le Ménestrel số chủ nhật 14/10/1900,  nhà nhạc học nổi tiếng người Pháp Julien Tiersot đã phải thốt lên: “Không biết có cần phải nhắc lại vũ điệu Cam Bốt, được đệm nhạc bởi các nhạc sỹ chính gốc từ Nam kỳ, được trình diễn, với y phục và trang sức bản xứ, bởi các vũ công người Ý dẫn đầu với cái duyên dáng quen thuộc, Cô Cleo de Mérode?” (Est-il nécessaire de rappeler encore les danses cambodgiennes qui, accompagnées par des musiciens venus très réellement de Cochinchine, sont exécutées, sous les costumes et les ornements du pays, par des danseuses italiennes à la tête desquelles marche, avec sa grâce accoutumée, Mlle Cleo de Mérode?).

Thông tin về trình diễn của Đờn ca tài tử với Cléo de Mérode trên báo Le Gaulois (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp)

Giọng ca và tiếng đàn của ban nhạc Tài tử đã dẫn dắt quan khách thế giới ở Hội chợ Paris đến Đông Dương, một vùng đất hoàn toàn mới lạ đối với họ.  Julien Tiersot đã ghi lại cảm tưởng: “Chúng ta trước tiên hãy cùng du hành vào một vùng đất rất xa xôi của miền Viễn Đông”. Còn nhà văn  Maurice Talmeyr thì kể lại rằng: “… Dàn nhạc thì quả thật đúng là An Nam. Bạn không thể lầm được… Tôi thực sự đúng là đang ở Đông Dương”. Arthur Pougin mô tả sự ngạc nhiên thích thú của khán giả như sau:“…Sáu thiếu nữ và mười thanh niên vào và yên lặng ngồi xuống đất, đối mặt với khán giả, làm thành hai hàng, hàng đầu là các thiếu nữ, và thanh niên ở hàng sau. Tất cả đều có dụng cụ âm nhạc, mà tất cả họ vừa chơi vừa hát, hợp thành một bản hòa tấu. Mặc dầu âm nhạc này lạ tai với chúng ta, làm chúng ta hoàn toàn ngơ ngác, nhưng người ta không thể nói là âm nhạc này hoàn toàn khó chịu. Nhạc này trong một thang âm chứa đựng một dấu vết êm dịu, có một chút đặc tính u sầu mà không phải là không có một loại duyên dáng êm dịu đu đưa”.  

Trong bối cảnh hoành tráng của Hội chợ Triển lãm Toàn cầu này, nhà nhạc học Tiersot đã ca ngợi sự kỳ diệu của buổi trình diễn Đờn ca tài tử tại Nhà hát Đông Dương: “Sự kết hợp như vậy phải chăng là khuynh hướng kỳ diệu của tinh thần đang ngự trị tại Hội chợ Triển lãm?“ (Une telle association ne symbolise-t-elle pas à merveille la tendance de l’esprit qui a présidé à ces sortes d’exhibitions?).

Đờn ca tài tử kết hợp với điệu múa Cam Bốt của Cléo de Mérode và các vũ công người Ý đã chinh phục được khán giả thế giới tại Hội chợ Triển lãm Toàn cầu 1900.  Sự thành công rực rỡ của sự kết hợp này phản ảnh một phần sự uyển chuyển kỳ diệu của Đờn ca tài tử và tinh thần cởi mở phóng khoáng của người dân miền Nam.  Tinh thần này đã đem lại sự kỳ diệu khác trong việc cây đàn guitar phương Tây được chấp nhận và cải tiến để trở thành đàn guitar phím lõm, một nhạc cụ quan trọng trong sự phát triển của Đờn ca tài tử và Cải lương ở Nam bộ. Trong trang sử mới của Đờn ca tài tử là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới ở thời kỳ toàn cầu hóa, với ý thức và định hướng nghiêm túc trong công cuộc bảo tồn và phát triển hình thái âm nhạc cổ truyền của Nam bộ, hy vọng khán giả trên thế giới sẽ lại được thấy nhiều sự kỳ diệu của Đờn ca tài tử như tại Hội chợ Triển lãm Toàn cầu năm 1900.

Sydney 26/3/2014

Nguyễn Lê Tuyên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm