05/03/2021 20:04 GMT+7 | Bạn cần biết
(giaidauscholar.com) - Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay 5/3 được giaidauscholar.com liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
Giá vàng châu Á phiên 5/3 chạm mức thấp nhất chín tháng
Giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/3, hướng tới tuần giảm giá thứ ba liên tiếp, giữa bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đồng loạt tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh rằng đà tăng lợi suất trái phiếu Mỹ không gây xáo động.
Chiều phiên này, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.697,60 USD/ounce, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/6/2020 vào đầu phiên. Tính chung cả tuần này, giá vàng giao ngay giảm 2%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng hạ 0,5%, xuống 1.692,90 USD/ounce.
Chủ tịch Fed Powell ngày 4/3 đã tái khẳng định cam kết duy trì việc nới lỏng tín dụng, đồng thời cho biết mặc dù sự gia tăng sản lượng trái phiếu là "đáng chú ý", nhưng ông đã không cho rằng Fed sẽ phải can thiệp để ngăn chặn xu hướng này.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, theo một cách nào đó, ông Powell đã "bật đèn xanh" cho đà tăng cao của lợi suất trái phiếu Mỹ. Ông lưu ý rằng, có vẻ như không thể tránh khỏi khả năng vàng sẽ giảm sâu hơn mức hiện tại và chạm mức 1.600 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đang ở mức 1,5%, trong khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong ba tháng. Lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ các mặt hàng không lãi suất như vàng.
Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX cho hay, nhận định của ông Powell chỉ củng cố suy nghĩ rằng Fed đang dần biến chuyển theo hướng để thị trường thích nghi với việc các nước rút dần các chính sách hỗ trợ kinh tế quy mô lớn. Theo ông Spivak, các thị trường cũng bắt đầu tính đến điều đó khi các chương trình vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 0,2%, xuống 25,25 USD/ounce, giảm 5% cho cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2020. Giá palladium tăng 0,6%, lên 2.352,33 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim hạ 0,5%, xuống 1.119,98 USD/ounce.
Tại Việt Nam, cuối ngày 5/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,10-55,52 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá vàng giảm 150 nghìn đồng/lượng
Giá vàng trong nước sáng 5/3 tiếp tục giảm theo giá vàng thế giới.
Mở cửa sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,45 - 55,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC vẫn được giữ nguyên so với giá đóng cửa hôm qua, niêm yết ở mức 55,6 - 56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng trong phiên 4/3, trước áp lực từ sự gia tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ.
Diễn biến trên xảy ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát đi tín hiệu trước mắt sẽ chưa có động thái nào để ứng phó với sự tăng mạnh của lợi suất trái phiếu.
Chuyên gia Suki Cooper của Ngân hàng Standard Chartered nhận định giá vàng lại một lần nữa chịu áp lực khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh sau khi thị trường thất vọng với những bình luận của ông Powell. Sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp đề phòng lạm phát, khi nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữa kim loại quý không sinh lời này.
Trong khi đó, đồng USD đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, qua đó tạo thêm áp lực lên giá vàng vốn được định giá bằng “đồng bạc xanh”.
Tỷ giá trung tâm tăng 14 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 5/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.166 VND/USD, tăng 14 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.860 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.471 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá đồng USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) cùng ổn định.
Lúc 8 giờ 25 phút, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 22.900 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Tại BIDV, giá USD được niêm yết ở mức 22.925 - 23.125 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 5 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.508 - 3.611 VND/NDT (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Tại Vietinbank, giá đồng bạc xanh được điều chỉnh tăng 5 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua, niêm yết ở mức 22.883 - 23.123 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này niêm yết ở mức 3.518 - 3.628 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 1 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Thị trường chứng khoán tháng 3: Tích lũy quanh mốc 1.200 điểm
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch với nhiều phiên “lình xình” trước mốc kháng cực 1.200 điểm. Trong tháng 3/2021, khả năng VN-Index vẫn sẽ hướng đến và thử thách vùng đỉnh cũ 1.200 với động lực từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Theo báo cáo Chiến lược thị trường tháng 3/2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên HOSE phục hồi rất tích cực từ quý IV/2020 và khả năng tiếp cận vắcxin COVID-19 sắp tới là nhân tố nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn.
Bức tranh vĩ mô lớn hơn đã có những điểm nhấn mới với số liệu 2 tháng đầu năm phát đi những ghi nhận lạc quan về triển vọng GDP quý I/2021 có thể tăng cao hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất vẫn đang trong xu hướng giảm nhẹ để hỗ trợ các hoạt động kinh tế tiếp tục hồi phục và cũng tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán.
Tuy vậy, các chuyên gia của SSI cho rằng, các yếu tố rủi ro cũng bắt đầu xuất hiện, trong đó cần lưu ý vấn đề về lạm phát.
Theo SSI, khi tổng cầu đang phục hồi rõ rệt cùng với nền so sánh thấp của năm 2020 thì áp lực lạm phát trong thời gian tới là không nhỏ. Chi phí vận tải cũng tăng mạnh do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng kéo dài từ năm ngoái. Mức tăng này sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất cũng như giá tiêu dùng trong ngắn hạn.
Trong tháng 2/2021, lạm phát tăng khoảng 1,52% là một mức tăng khá cao nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu bóc tách các ảnh hưởng từ việc EVN dừng việc giảm giá điện, hay việc giá lương thực thực phẩm tăng trong dịp Tết (giá thịt lợn, giá gạo, giá ăn uống ngoài gia đình) hoặc việc tăng giá xăng dầu thì có thể thấy mức tăng là không phải quá nhiều cho một tháng Tết. Và tính trung bình 2 tháng, chỉ số CPI vẫn giảm nhẹ 0,14% so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, SSI cho rằng, như thế không có nghĩa là không có áp lực về lạm phát, và vẫn cần phải theo dõi chặt các diễn biến của nhóm hàng thực phẩm (thịt lợn), giao thông (xăng dầu), nhà cửa, giá điện… vì đây là các nhóm đóng góp chính cho việc tăng lạm phát trong thời gian vừa qua.
Mặt khác, từ đầu năm tới nay, và đặc biệt trong một số tuần gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng khá nhanh khoảng 0,6% và hiện nay ở mức gần 1,5%, so với mức đáy của năm 2020 thì đã tăng lại được 1%. Việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại, về lý thuyết là không tốt cho các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, về mặt cơ bản tình hình hiện nay đã có các điểm khác.
Mặt bằng lãi suất chính phủ Mỹ vẫn thấp hơn so với trước dịch COVID-19, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã ở mức cao theo tiêu chuẩn của IMF, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trái phiếu chính phủ và việc bán ròng trên thị trường cổ phiếu đã diễn ra từ rất lâu nên áp lực hiện tại là không còn nhiều.
Trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 6.348 tỷ đồng trên HOSE trong 2 tháng đầu năm 2021, đặc biệt trong giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán (từ 17/2/2021) với 7 phiên mua ròng liên tiếp trong khi thị trường đang trong giai đoạn tích lũy chờ vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Trong quá khứ, các ngưỡng tâm lý thị trường đã phải mất rất nhiều lần mới vượt qua được. Chẳng hạn như ngưỡng 1.000 phải mất 7 lần mới vượt được trong giai đoạn 2018-2020; hay ngưỡng 600 điểm trong giai đoạn 2014-2016. Với ngưỡng 1.200, VN-Index đã 3 lần tiệm cận thử thách mốc này trong các năm 2007, 2018 và tháng 1/2021 đều thất bại, tạo điểm gãy trong xu hướng khiến số đông nhà đầu tư thua lỗ.
Nếu so sánh thời điểm này với thời điểm đầu 2018 thì mức lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều, nhưng thị trường lại có nhiều biến động hơn do hiện nay số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở mức rất cao.
Điểm giống nhau là thời điểm 2018 và thời điểm 2021 đều có rủi ro về việc lãi suất có thể tăng trở lại trong bối cảnh kinh tế hồi phục nhanh và lạm phát tăng trở lại. Còn nếu so sánh với thời điểm VNIndex ở ngưỡng 1.200 vào cuối tháng 1, thì tình hình hầu như không có gì khác về mặt vĩ mô, nhưng triển vọng dập tắt đợt bùng phát dịch COVID-19 đã khá rõ ràng và các thông tin về triển khai vắc xin cụ thể hơn.
Xét về kỹ thuật, vận động của VN-Index sau Tết nguyên đán cho thấy những tín hiệu tích cực hơn về điểm số và khối lượng giao dịch, tuy nhiên VNIndex vẫn liên tục gặp khó khi chỉ số tiến về vùng cản tâm lý 1.200 điểm. Các nhịp thoái lui từ vùng cản này đang được hỗ mạnh ở vùng 1.175 – 1.150 điểm trong khi xu hướng tăng của chỉ số vẫn chưa thay đổi.
Vì vậy, các chuyên gia của SSI cho rằng, khả năng VN-Index vẫn sẽ hướng đến và thử thách vùng đỉnh cũ 1.200 với động lực từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất