Góc Anh Ngọc: Parma, bóng đá của niềm vui

06/03/2014 22:07 GMT+7 | Italy

(giaidauscholar.com) - Nếu còn sống, công dân nổi tiếng nhất của thành Parma, nhạc sĩ Giuseppe Verdi, hẳn sẽ cảm thấy hạnh phúc trước những gì đang xảy ra trước mắt: đội bóng của thành phố nơi ông sinh ra, đang là một hiện tượng của giải đấu.

Không có gì ngạc nhiên khi sau mỗi trận đấu sân nhà của đội, trên loa vang lên bản "Hành khúc chiến thắng" (La marcia trionfale), một khúc nổi tiếng trong vở Aida của ông.

"Hành khúc chiến thắng", hoặc đại loại gần như thế. Sẽ là khập khiễng nếu bảo Parma bây giờ giống chàng Ramades trở về vinh quang trong tiếng hành khúc của vở Aida, nhưng nếu nhìn thành tích mà Parma đang có ở thời hiện tại thì hoàn toàn có thể hiểu tại sao bây giờ, trên sân Ennio Tardini, người ta ca theo những khúc hay nhất và hào hùng nhất của vở ca kịch nổi tiếng ấy. Sau những năm tháng hồi sinh trong gian khó, những lần ngụp lặn ở các vị trí đèn đỏ trong những năm sau lần phá sản và sống lại vào năm 2004, là một cú nhảy vọt ở mùa bóng này: bây giờ, sau "hành khúc" 14 trận bất bại (chuỗi trận không thua dài chỉ kém đội đầu bảng Juve), đội quân của Donadoni đã leo lên vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng, đã hít thở bầu không khí hào hứng của tốp trên và đang ước mơ dự Cúp Châu Âu.

Hậu vệ Paletta của Parma vừa được lên tuyển.

Hậu vệ Paletta của Parma vừa được lên tuyển.

Nhật báo Gazzetta di Parma, trong một tâm trạng lâng lâng khó tả thể hiện đúng niềm vui và sự đam mê của các tifosi, viết rằng: "Chẳng ai cấm chúng ta mơ.  Và vì vậy, hãy mơ Parma mùa tới dự Cúp Châu Âu". Đó là sự trở lại của một mặt trận mà họ đã từng quá quen thuộc trong quá khứ, với những năm tháng hoàng kim đầy rẫy chiến thắng dưới thời chủ tịch Tanzi. Họ, những ông chủ của Parmalat, tập đoàn các sản phẩm sữa, đã đổ tiền vào đội bóng và biến nó thành một cỗ máy chiến thắng và khuếch trương thương hiệu của Parmalat cho đến năm 2004, khi hãng phá sản, còn cha con nhà Tanzi đi tù. Trước khi Parma cũng bị tuyên phá sản cách đây 10 năm, sân Tardini từng là nhà của không ít những ngôi sao sáng nhất của calcio, từ Buffon, Cannavaro, Thuram, Crespo, Asprilla cho đến Zola. Trước khi người ta phát hiện ra những chiến thắng trên đấu trường Italy và Châu Âu (với danh hiệu cuối cùng, Cúp UEFA năm 1999) được xây nên bởi vụ vỡ nợ thuộc loại lớn nhất trong lịch sử Italy, với những hóa đơn bị tẩy xóa, những tài khoản ma, những khoản nợ bị xóa đi trên giấy tờ bằng bút xóa (!), Parma đã từng được coi là một câu chuyện cổ tích đẹp nhất mọi thời đại của calcio.

Thế rồi, tất cả tan biến, mất hết, Parma tan rã cùng Parmalat. Một người bạn Ý của tôi từng nói rằng, khi nhắc lại thời kì đó, không ít tifosi Parma vẫn còn tiếc nuối và đau đớn. Có người thậm chí còn nói rằng, năm ấy, trái bóng không lăn trên những đồng cỏ của vùng Emilia-Romagna đẹp đẽ nữa. Cũng không ít người nhắc đến những chiến công đã qua với một sự xấu hổ. Họ bảo, thắng lợi được xây nên nhờ những đồng tiền "không sạch". Tất cả dần thay đổi kể từ khi một nhà công nghiệp có tên Tommaso Ghirardini bỏ ra vài triệu euro mua lại những gì đã từng là AC Parma vào năm 2007. Bây giờ, ngoại trừ một quãng thời gian không đẹp lắm (mùa 2008-09, đội bị tụt hạng B), vị chủ tịch của Parma hoàn toàn có thể nói với mọi người rằng, Parma của ông luôn ở trong nhóm những đội trung bình khá của Serie A, nhưng tài chính thì thuộc loại "an toàn" nhất. Họ không nợ nần ai cả. Ghirardi nói với lòng tự hào: "Chúng tôi đã đánh bại kỉ lục của một đội đã đoạt được 8 chiếc Cúp và đã từng cạnh tranh Scudetto". Ghirardi có ý so sánh Parma hiện tại với Parma của những năm 1997, 1998, khi đội bóng ngày ấy không ngán ngại Juve trong cuộc đua Scudetto. Nhưng Parma ngày đó thua Parma-không-cúp-nào bây giờ ở một điểm: họ không trải qua 14 trận bất bại. Và mùa này, dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa, dự Cúp Châu Âu hay không, cũng có thể coi là một mùa thành công của Parma.

Donadoni đang dẫn Parma đến những giấc mơ.

Donadoni đang dẫn Parma đến những giấc mơ.

Trên mảnh đất của những niềm vui (và cả sự hữu nghị, bởi sắp tới, một văn phòng kinh tế Việt Nam sẽ được mở tại xứ Emilia này), những câu chuyện hồi sinh về mặt cá nhân đang được viết. Giovinco đã từng bùng nổ ở đây những ngày anh rời Juve để nương nhờ Parma. Amauri đã quên đi những ngày không vui vẻ cũng ở Juve để bây giờ tỏa sáng ở nơi mà anh thấy thực sự hạnh phúc. Và Cassano, sau mấy năm sống trong mọi thái cực cảm xúc ở Milan và Inter, giờ đây đang trở lại những ngày tươi sáng nhất như hồi anh mới đến Sampdoria. Những con người tưởng như hết thời ấy giờ đã hồi sinh, và góp phần làm những người trước nay ít được để ý trở thành những ngôi sao, như Parolo, giờ đã là một tuyển thủ Italy, khi tuổi không còn trẻ, hay Paletta. Với Paletta thì không chỉ là hồi sinh. Anh được thừa nhận. Hậu vệ gốc Argentina đã 31 tuổi này trở thành "oriundo" (cầu thủ Nam Mỹ khoác áo đội tuyển Ý) khi được HLV Prandelli triệu tập cho trận đấu với Tây Ban Nha hôm 5-3. Nhưng câu chuyện đẹp nhất là của chính HLV Donadoni. Người tưởng như không thể gượng dậy được sau thất bại trong cuộc phiêu lưu với đội Thiên thanh sau World Cup 2006, với Napoli những năm sau đó, giờ hồi sinh tên tuổi và uy tín với Parma. Không có cuộc cách mạng chiến thuật nào xảy ra với Parma trong mùa này. Vài trận đá với 3 trung vệ, vài trận 4 hậu vệ, có trận có Amauri, có trận không, Donadoni đôi khi khiến các đối thủ cũng như các nhà bình luận bất ngờ bởi cách mà ông bố trí đội hình.

Nhưng thực ra, ông chẳng làm bất cứ điều gì một cách vô tình, hoặc không tính toán, vì kết quả của chuỗi 14 trận liên tiếp không thua mới rồi đã nói lên tất cả: Parma giành 28 điểm trong 7 trận thắng, 7 trận hòa, ghi 23 bàn thắng, chỉ để lọt lưới 7 lần. Nhưng sự hài lòng lớn hơn cả, là bây giờ, ở Parma, người ta không còn cảm giác tiếc nuối quá khứ nữa, bởi họ tin rằng, hiện tại và tương lai là đây, ở một thứ bóng đá "an toàn" về mặt tài chính, phù hợp với họ, và sống thực tế. Donadoni không hề nhắc đến một từ "Europa League" hay "Cúp Châu Âu" nào trong các cuộc trả lời phỏng vấn của ông. Chủ tịch Ghirardi cũng thế. Đương nhiên, trong đầu họ, Cúp Châu Âu chắc chắn là mục tiêu, nhưng không nhắc đến nó là một cách để tránh tạo ra áp lực lên chính họ và các cầu thủ, những người có lẽ cũng chưa quen với vị trí rất cao của Parma lúc này. Trên kênh Sky, sau trận thắng Sassuolo ở vòng 26, Donadoni nói: "Mục tiêu của chúng tôi là tiến bộ qua từng trận và không nhìn quá xa". Còn Ghirardi? Ông bảo: "Donadoni thật là giỏi. Ông ấy còn hợp đồng với chúng tôi đến năm 2015. Tôi muốn ông ấy ở thêm với chúng tôi ít nhất một năm nữa, và sau đó, chúng tôi sẽ thành một đội bóng lớn".

Cuối tuần này, là một trận "chung kết sớm" cho Cúp Châu Âu: Parma đối đầu Verona, một hiện tượng nữa của một mùa bóng. Và tiếng nhạc "Hành khúc chiến thắng" lại vang lên trên sân Ennio Tardini...

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm