Góc nhìn 365: Dấu son 'cổng Maroc'

28/05/2024 07:16 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin thú vị cuối tuần qua: Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Maroc cùng lãnh đạo huyện Ba Vì (Hà Nội) vừa có buổi làm việc về phương án bảo tồn, tu sửa Cổng Maroc tại Ba Vì, cũng như phát huy giá trị của kiến trúc này.

Thực tế, dù là một kiến trúc độc đáo, và gắn với câu chuyện lịch sử về những hàng binh Maroc (Morocco) từng chiến đấu tại Việt Nam, lại nằm cách Hà Nội chỉ 70 km và đã có gần 7 thập niên tồn tại, nhưng cổng Maroc vẫn chưa được du khách hiện tại biết tới nhiều.

Theo những tư liệu được ghi lại, Cổng Maroc gắn với nông trường Việt - Phi cũ tại Ba Vì, vốn được thành lập sau 1954 để làm nơi sinh sống, sản xuất của hơn 300 hàng binh gốc Phi trong những năm chờ hồi hương. Trước đó, như nhiều hàng binh khác, họ là những người được giác ngộ, rời bỏ hàng ngũ quân viễn chinh để cầm súng đứng cạnh những chiến sĩ Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp.

Góc nhìn 365: Dấu son 'cổng Maroc' - Ảnh 1.

Cổng Maroc vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Ảnh: Thành Luân/thoidai.com.vn

Năm 1956, chiếc cổng Maroc được chính những hàng binh này (đa số là người Maroc) xây dựng - vừa như một công trình kỷ niệm về tình cảm dành cho Việt Nam, vừa như một kiến trúc truyền thống để họ nhớ về quê hương mình. Theo đó, cổng cao 8 thước, có 4 trụ tròn vững chãi, đỡ ba vòm lớn trang trí bằng họa tiết Arab - thành tố phổ biến trong văn hóa Maroc.

Khá may mắn, dù những hàng binh gốc Phi lần lượt hồi hương trong thập niên 1970, kiến trúc này vẫn tồn tại, thậm chí từng 2 lần được ngành văn hóa của Hà Nội trùng tu. Và theo những ý tưởng được đề xuất vừa qua, Cổng Maroc cần được lập hồ sơ để công nhận di tích, chuyển cho địa phương quản lý (hiện đang nằm trên đất của một hộ dân), cũng như tu bổ và phát triển thành một điểm đến văn hóa - lịch sử.

***

Đáng nói, dù chưa trở thành điểm tham quan thu hút du khách, Cổng Maroc vẫn được giới chuyên môn - cũng như những người trong cuộc - dành sự quan tâm lớn. Cụ thể, năm 2023 vừa qua, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp cùng một số cơ quan xây dựng một website "thăm quan ảo" kèm theo những thông tin chi tiết về công trình này. Hoặc, tại một khu du lịch sinh thái ở Ba Vì, dựa theo kiến trúc gốc, một phiên bản "Cổng Maroc" cũng  được xây dựng để trở thành điểm nhấn.

Từ góc nhìn đó, việc các tổ chức xã hội lên kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Cổng Maroc đương nhiên là một thông tin tích cực. Bởi, vượt hơn giá trị của một kiến trúc độc đáo và xưa cũ, đó còn là một hệ thống những di sản có thể khai thác về "nhân duyên" của chúng ta với những con người khác màu da, tiếng nói và văn hóa, được những biến động đưa lại để trở thành một phần của lịch sử Việt Nam.

Và xa hơn, câu chuyện của Cổng Maroc cũng là sự gợi mở về tiềm năng vốn có của vùng văn hóa Ba Vì, nơi có không ít những kiến trúc Pháp cũ, hệ thống sinh thái đặc thù hay những di sản phi vật thể độc đáo trong văn hóa truyền thống. Giống như nhiều chuyên gia đã khẳng định, sau nhiều năm kể từ khi trở thành một phần của Hà Nội, đã đến lúc không gian ấy cần được "đánh thức" một cách hợp lý và bền vững.

Trí Uẩn

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm