05/03/2016 11:48 GMT+7
Một năm rưỡi trước, băng-rôn này đã xuất hiện sau một trận đấu với West Brom. Bây giờ, sẽ có những CĐV Arsenal gật đầu với nó. Trang web chuyên đăng những đơn thỉnh cầu ở địa chỉ change.org, có hàng loạt những lá đơn như vậy, yêu cầu Arsene Wenger hãy rời ghế HLV trưởng của Arsenal.
Nhưng ông vẫn ngồi đó, cho dù Arsenal có một mùa thất bát nữa. Cúp vô địch Premier League cứ gần rồi lại xa và đã 12 năm Arsenal không chạm được vào. Champions League chuẩn bị “đá” vào mông Arsenal một cú nữa, sau trận thua Barcelona, và 10 năm, họ chỉ vào bán kết 1 lần. Arsenal bị loại khỏi League Cup, bây giờ giờ chỉ còn hy vọng vô địch cúp FA.
Không tham vọng, hay tự dối mình?
Thế là quá ít với một đội bóng lớn (nếu chúng ta vẫn còn coi Arsenal là đội bóng lớn), kể cả khi Pháo thủ đã dự Champions League 19 năm liên tiếp. Tham vọng của họ chỉ là Top 4 thôi sao? Không phải. Đừng tự huyễn hoặc mình! Trận thua Man United chắp vá tại Premier League vừa qua lấy lại rất nhiều phẫn nộ từ các “fan bự” của Arsenal. Thierry Henry bảo “đây không phải màn trình diễn của một ứng viên”. Martin Keown gào lên về tập thể không thủ lĩnh. Còn Ian Wright, trên BBC, bảo đấy là thất bại “cực kì đáng thất vọng”.
Tham vọng vẫn có, rất nhiều là đằng khác, nhưng những giấc mơ đã bị thử thách 12 năm, trong đó có 8 năm trắng tay. Có một người đàn ông dìu những giấc mơ này vào làn khói trắng êm đềm, rồi sau cùng thẫn thờ nhìn tất cả với khuôn mặt nhăn nhúm: Arsene Wenger!
Banner “Arsene Wenger. Cảm ơn vì những kí ức, nhưng đã đến lúc phải nói lời tạm biệt” của CĐV Arsenal gửi Wenger
Suốt những năm qua, ông không chi tiêu. 6 năm xây sân Emirates với khoản nợ 390 triệu bảng, không cho phép Arsenal mua sắm, nhưng khi trả hết nợ và tăng giá vé xem ngoại hạng lên mức cao nhất, ông vẫn lắc đầu. Tiền vẫn nằm trong két. Vé thì vẫn phải mua. CĐV phải tự giằng xé rằng tại sao Wenger lại làm như vậy, trong khi các đối thủ chỉ thực hiện một phép tính đơn giản: thể thao phải có thành tích.
Vì Wenger yêu Arsenal quá nhiều. Rất đúng! Ông yêu đội bóng tới mức chính tay đã thiết kế những hạng mục cho sân Emirates. Có biệt danh là Giáo sư, ông lo cho túi tiền CLB như thể đấy là tiền của mình. Năm xưa, David Dein mất 2 năm đấu tranh với ban lãnh đạo để đưa Wenger về từ Nhật Bản, và người đàn ông Pháp đã xây dựng lại mọi thứ: từ chế độ dinh dưỡng, hệ thống đào tạo trẻ, đến lối chơi. Nhưng khi bóng đá thay đổi, triết lý cũng chỉ là bản nháp nhàu nhĩ khi không có cầu thủ tài năng.
Barcelona có triết lý, có lò đào tạo La Masia, vẫn chi tiền mua người giỏi nhất ở tất cả các vị trí. Nhưng Arsenal, suốt bao năm, chỉ xây dựng dựa trên những cầu thủ trẻ hoặc ở mức trung bình khá. Ngay bây giờ, đội hình của họ chỉ có 3 người đạt đến đẳng cấp thế giới là thủ môn Petr Cech, tiền vệ Mesut Oezil và Alexis Sanchez.
Wenger tự làm khó mình
Wenger phải làm quá nhiều việc tại Arsenal và ông rất ít nghiên cứu chiến thuật. Kí giả Philippe Auclair, bạn thân của ông, thậm chí bảo Wenger cần đúng 1 ngày chuẩn bị cho chung kết Champions League với Barcelona 2006! Một nhóm cầu thủ không đẳng cấp vẫn có thể làm nên chuyện, nhưng một đội bóng lớn không thể mãi mãi dựa vào một lối chơi.
Dùng cầu thủ đẳng cấp thế giới có lợi ra sao? Có lần, Carlo Ancelotti hỏi Mike Forde, trợ lý từng làm việc ở Bolton, “ông thấy khác biệt gì giữa hai đội”. Forde nói, cứ sau 4-5 trận , BHL Bolton lại phải ngồi xuống nói lại cho cầu thủ về những thứ như tinh thần chiến thắng, thái độ, sự chuyên nghiệp, điều mà các cầu thủ Chelsea tự giác làm theo.
Wenger với con đường độc đạo, đã chịu rất nhiều áp lực
Ancelotti cười rồi nói: “Nhiệm vụ của chúng ta ở đây không phải hô hào họ làm những thứ đó. Chúng ta đặt mục tiêu cho họ, họ tự phấn đấu”.
Wenger đã phải quá mệt mỏi với những Theo Walcott rồi. Ông mòn mỏi chờ đợi những Wilshere, Ramsey, Chamberlain… bình phục chấn thương. Chờ họ tìm lại phong độ. Olivier Giroud chỉ tỏa sáng lúc… chẳng ai ngờ. Mesut Oezil cần Wenger động viên, sau khi mất 2 mùa chật vật thích nghi.
Cầu thủ nào ở Arsenal cũng coi Wenger là cha, nhưng quên rằng ông là một HLV. Ông sẽ động viên cầu thủ như công việc mà ai cũng làm nhưng không có nghĩa là bi lụy, để rồi khi tinh thần đi xuống, chính Wenger cũng không biết làm thế nào để họ phục hồi. Đó là vòng luẩn quẩn của sự nuông chiều, có hại cho cả hai phía.
Thay Wenger càng sớm càng tốt?
Vì sao Arsenal không sa thải Wenger? Gõ cụm từ này lên Google, sẽ có 400 ngàn kết quả sau vài giây. Đủ thấy đó là thực tế khó hiểu. Nhưng có giả thuyết rằng, người nắm 66,64% cổ phẩn, tỉ phú Mỹ Stan Kroenke, không mấy quan tâm đến chuyện thành tích. Ông chỉ muốn đội vào Top 4 đều đặn, kiếm tiền đều đặn… Có một Giáo sư kinh tế giữ két tiền cho mình, chẳng phải quá tốt sao? Quan điểm của tỉ phú Nga Alisher Usmanov, người nắm 29,11% cổ phần, bạn của ông chủ Chelsea Abramovich, thì khác: “Bóng đá phải hướng tới thành tích”. Nhưng ông không phải nhân vật có tiếng nói cuối cùng.
Wenger với Arsenal giống câu hỏi “con gà có trước hay quả trứng có trước?”. Wenger tạo ra Arsenal mới kể từ năm 1996, nhưng Arsenal cũng là bệ phóng của ông. Họ như hai thực thế không tách rời. Nhưng chẳng có gì vĩnh hằng, rồi sẽ có lúc Wenger phải rời đi, như Alex Ferguson rời Man United. Dù Wenger bảo: “Bóng đá là tất cả cuộc sống của tôi”.
Ngày đó sẽ đến và Arsenal phải chuẩn bị. Thay thế một HLV đã khó, thay thế người tạo ra nếp làm việc 20 năm lại càng không dễ. Các CLB lớn như Bayern, Dortmund, Chelsea, Man United… có xu hướng chọn người kế vị từ sớm để họ làm quen. Nhưng cũng không phải tất cả đều thành công. Man United đang rất khó khăn với cuộc sống hậu Ferguson. Họ là tấm gương để Arsenal soi vào.
Lịch sử nói, thay thế một vĩ nhân HLV là quá trình đau khổ. Sir Matt Busby rời Man United năm 1969, sau 24 năm, đã phải trở lại dẫn dắt năm 1970, vì người kế nhiệm Wilf McGuinness… không nói được đám cầu thủ. Lobanovskyi dẫn Dinamo Kiev những ba giai đoạn, từ 1973 tới khi… qua đời năm 2002. Cả tá HLV là học trò cũ, trợ lý thân cận với Lobanovski đã thử sức, chỉ chuốc về thất bại. Mới nhất là Man United của David Moyes, Van Gaal…mua sắm rất nhiều, nhưng càng làm, người ta chỉ càng nhớ Alex Ferguson hơn mà thôi.
Nhìn Wenger, Arsenal thấy vừa thương, vừa thấy sợ! Sợ rằng một ngày họ sẽ nói nhớ ông, dù bây giờ, đang thầm mong được nói “cảm ơn, chào tạm biệt!”.
Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất