13/10/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Có lẽ Trần Nhật Thăng là nghệ sĩ Việt hiếm hoi mà suốt 2 năm qua chưa một lần đề cập đến từ dịch giã hoặc Covid-19 trên Facebook cá nhân, cũng như trong các bình luận đây đó. Anh trốn dịch bằng cách âm thầm, thư thái và cả lì lợm để vẽ 150 bức tranh, nhiều bức có khổ rất lớn.
Rất lạ, ngay từ đầu năm 2020, nhiều tác phẩm trừu tượng của Trần Nhật Thăng đã có tinh thần về vùng xanh, miền xanh - một khái niệm mà đến nay ai ở trong các tỉnh thành bị dịch nặng, sẽ rất thích khi có được.
Đứng ngoài sự đe dọa của Covid-19…
Trần Nhật Thăng quan niệm điều cốt lõi của tranh trừu tượng là cảm được trạng thái của sự vật, hiện tượng, tâm trạng. Ví dụ vẽ về nỗi buồn, chơi vơi, tuyệt vọng, buông bỏ, nhớ nhung, tàn héo, hồi sinh, hy vọng… thì vẽ cái gì. Anh nói chỉ cần mang đến cho người xem cảm xúc, tâm trạng về điều đó là đủ, không cần diễn giải, tô vẽ.
Trong thời Covid-19, Trần Nhật Thăng nói bản thân biết mình chỉ là một thân phận nhỏ nhoi giữa bao la, nên chỉ làm những gì trong hoàn cảnh riêng. “Còn trong đại họa này, có cứu được mình hay không thì chỉ nhờ phúc phần, may mắn, không toan tính gì được, nên có chết cũng chả sợ. Mà đã là họa sĩ thì biết gì mà bàn luận về dịch bệnh, nên có nói thêm, nhắc tới nhắc lui, chỉ làm rối lòng mọi người và chính mình, chứ chẳng giúp ích được gì. Tôi coi nó như tất yếu, mà tất yếu thì nhắc làm gì nữa, ai cũng biết rồi”.
Anh nói thêm: “Đấy là về tư tưởng, tôi đã đứng ngoài sự đe dọa của Covid-19. Còn về mặt vật lý, thực tế thì phần lớn thời gian qua tôi cùng gia đình ở xưởng vẽ trên đèo Thung Khe, Hòa Bình và homestay ở Vân Hồ, Sơn La. 2 vùng đất yên lành, thân thiện. Tôi muốn truyền những năng lượng tích cực, thân thiện đó bằng cách vẽ tranh cho đẹp, không kêu ca gì cả”.
Sau triển lãm Chân dung của tự do (năm 2008), Trần Nhật Thăng dừng vẽ gần 10 năm, tới 2017 mới vẽ lại. Triển lãm cá nhân lần thứ 11 mang tên Miền thanh thản, thuộc chuỗi triển lãm Miền - Miens, đánh dấu sự trở lại này. Sau đó thì dừng tiếp gần 3 năm, 2020 mới vẽ lại, nên với Trần Nhật Thăng, gián đoạn hoặc vẽ dồn dập cũng là thói quen cá nhân rồi, ngoại cảnh không tác động bao nhiêu. Anh nói con số 150 tranh - nhiều tranh khổ rất lớn - phải tạm dừng lại, đáng lẽ còn nhiều hơn nữa, nhưng vì giãn cách không đặt thêm vật liệu lên xưởng được, do việc vận chuyển đình trệ.
Khi vẽ 150 bức trừu tượng này, anh vừa thả lỏng vừa buông bỏ. Thả lỏng trí não để cảm xúc tức thời dẫn dắt. Buông bỏ định kiến - như phải vẽ thế này, nên vẽ thế kia - để tác phẩm tự do hình thành. Cũng chính vì vậy, sẽ bất ngờ dừng vẽ, nếu thấy bức tranh đã đạt. “Cố vẽ thêm chỉ là cố chiều theo lý trí, cố làm cho giống một tinh thần, một triết lý nào đó mà ta đã bắt gặp. Mà như vậy sẽ mất cảm xúc nguyên sơ, giống cái mà ta đã làm, hoặc giống người khác đã làm” - Trần Trần Nhật Thăng nói.
Anh cũng cho biết mình vốn không muốn đặt tên tranh, vì không muốn người xem bị đánh lạc hướng, sai lệnh cảm xúc ban đầu, chỉ đánh số từ 1 đến 150. Từ buông bỏ lý trí, dừng đúng lúc, đến không đặt tên tranh, chỉ đánh số, cũng là nhất quán.
… nhưng không dửng dưng
Suốt thời Covid-19, Trần Nhật Thăng nhiều lần gởi tặng tranh cho các phiên bán đấu giá thiện nguyện. Tiêu biểu nhất có thể kể bức được tạm đặt tên là Miền xanh (tổng hợp trên toan, 170cm x 570cm, 2021) được đấu giá trên Facebook hồi đầu tháng 8/2021. Đây có lẽ là 1 trong vài, không muốn nói là bức tranh trừu tượng lớn nhất về diện tích, ở Việt Nam, kể từ giữa thập niên 1950 đến nay. Tất cả tiền đấu được nhằm quyên góp, gây quỹ Be Strong Vietnam, dành để mua lương thực - thực phẩm cho người nghèo ở TP.HCM.
Với giá khởi điểm là 99 triệu đồng, nhà sưu tập Trần Văn Phòng đã đấu thành công, chốt giá ở mức 270 triệu đồng. Nhưng có điều thú vị, tác phẩm này cũng áp dụng luật mua ngay là 450 triệu đồng, một người (muốn giấu tên) đã mua bức này trước giờ khởi đấu, rồi tặng lại tác phẩm để tiếp tục đấu giá. Cho nên, kết quả chung cuộc tranh đã bán tổng cộng là 720 triệu đồng, cộng với số tiền ủng hộ thêm, thành 740 triệu đồng.
Nếu tạm chia tâm thế tranh giá vẽ theo diễn hình, diễn cảm và diễn ý, thì Trần Nhật Thăng là một họa sĩ diễn cảm. Anh chạy theo cảm xúc để vẽ, không có cảm xúc không vẽ, hạn chế dùng ý chí và ý tưởng, nên cũng không thể ép bản thân vào kỷ luật làm việc.
Việc chọn vẽ một bức tranh rộng đến 570cm cũng là một ngẫu hứng, không tính toán, vì kích thước này vượt qua phần lớn các bức tường có thể treo. Bởi trong kiến trúc phổ biến, nếu không được yêu cầu trước, khó có kiến trúc sư nào dám thiết kế một mảng tường rộng và trống đến tối thiểu là 600cm, thì mới có thể treo được tranh rộng 570cm.
Dù thị giác bắt mắt, năng lượng tích cực, nhưng bức Miền xanh không hề dễ treo, vì nó quá to. Vì vậy mà, những người muốn mua và đã mua bức tranh này cho thấy ở họ có nhiều sự hào sảng, vị nghệ thuật. Đầu tiên, vì bức này thực sự thu hút họ, nên to nhỏ không thành vấn đề, sau này họ sẽ có đủ không gian để treo. Tiếp theo, cũng quan trọng không kém, bức Miền xanh cũng là một dấu chỉ lớn trong đời sáng tác của Trần Nhật Thăng, nên dân chơi tranh thường muốn sở hữu những tác phẩm như vậy.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất