22/04/2016 07:10 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Dọc bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đều đã ghi nhận cá chết hàng loạt. Cá biển sống xa bờ với trọng lượng lớn cũng lên tới 35- 50 kg đã trẳng bụng dạt vào bờ. Tôm, nghêu của do đồng bào nuôi dùng nước biển cũng đã nổi lềnh bềnh.
Thiên nhiên “trở mặt”. Đó là quan điểm của một số người trước thực trạng cá chết. Điều này càng có vẻ thuyết phục khi biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, ai cũng cảm nhận được, và ai cũng lo sợ.
Nhưng trong trường hợp này, biển Mẹ bao đời che chắn cho dân tộc có đang bị “oan”?
Theo thông tin trên các mặt báo: Cơ quan chức năng Quảng Bình đã xác định cá chết là do môi trường nước nhiễm độc. Song, nguyên do khiến nguồn nước “bị đầu độc” vẫn chưa được tìm ra.
Ở Huế, Sở NN&PTNT tỉnh cũng xác định cả nước biển và nước đầm Lăng Cô đều bị ô nhiễm. Nồng độ PO4 (chỉ tiêu phú dưỡng) ở tầng đáy gấp đôi mức độ cho phép làm tăng pH trong nước.
Ở Hà Tĩnh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho hay cá chết do “môi trường nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong môi trường”.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt để tìm ra nguyên nhân cuối cùng của “cái chết hàng loạt” trên biển cả cha ông. Song, ngay trong lúc các cơ quan chức năng truy tìm “thủ phạm” thì những xác cá trắng bụng vẫn theo những con sóng dạt vào bờ. Lòng biển “nhiễm độc”. Lòng người hoang mang.
Cần nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên cá chết hàng loạt gây xôn xao dư luận. Năm 2010, dư luận từng hoang mang trước việc cá trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) nổi lềnh bềnh. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, vụ việc được xác định, công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi xả chất thải ra sông Trà Khúc gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, hủy diệt sinh thái.
Năm 1994, cá trên sông Thị Vải chết hàng loạt. Hơn 10 năm sau, năm 2005, công ty Vedan đã đồng ý đền bù nông dân nuôi trồng thủy sản Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 15 tỷ đồng vì gây ô nhiễm. Song, đến tận năm 2008, sau quá trình điều tra công phu, các cơ quan chức năng mới đủ bằng chứng để tuyên bố công ty Vedan có hệ thống xả thải tinh vi, xả thải trực tiếp ra môi trường, “giết chết” sông Thị Vải.
Sau bao nhọc nhằn, từ nêu hiện tượng tới điều tra vụ việc, việc cá chết trắng tại sông Trà Khúc, sông Thị Vải mới được đưa ra ánh sáng. Và, thông điệp lịch sử từ “cái chết” của những dòng sông là: không một ai, không một điều gì có thể ngăn cản, lấp liếm sự thật. Vấn đề là cái giá phải trả với mẹ thiên nhiên cũng như cuộc sống của hàng triệu đồng bào lên tới mức nào?
Nay, không chỉ còn là những dòng sông chết, biển mẹ bao la nay cũng điêu đứng. Hiện tại, các đơn vị chức năng đã khẳng định do “môi trường nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong môi trường”. Những khu công nghiệp trong địa bàn là những đối tượng đầu tiên bị nghi “đầu độc nguồn nước”. “Nghi can” chính mà ngư dân Quảng Bình chỉ mặt vạch tên là: Khu công nghiệp Vũng Áng, thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, giáp với vùng biển Quảng Bình.
Nghi ngờ là quyền của dư luận. Phủ nhận các nghi ngờ là quyền của các doanh nghiệp. Song, tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Thiên nhiên tráo trở hay con người tráo trở?” là bổn phận của các cơ quan chức năng!
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất