Trong nỗi đau Sampdoria

17/05/2011 11:51 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Cái chết đến vào lúc 16h52 của ngày chủ nhật 15/5/2011, không đột ngột, nhưng đau đớn đến mức tê dại. Đấy không phải một phát súng bắn lén của ai đó, mà là động tác tắt máy thở dẫn đến cái chết nhân đạo cho một cơ thể không còn khả năng sống, dù chỉ là thực vật. Với Samp, mọi thứ đã kết thúc rồi.

Nỗi đau của Sampdoria - Ảnh Getty

Vào giờ phút đau lòng ấy, dường như có một cơn rùng mình lan tỏa khắp sân Marassi, cái rùng mình cuối cùng của một cơ thể quá yếu ớt không còn khả năng chống chọi với cái chết, và khao khát sống không đủ để giúp họ gượng dậy. Camera của Sky Sport Italia lia qua những khán đài của một trong những SVĐ cuồng nhiệt và nóng bỏng nhất nước Ý, với những góc khán đài vuông vức theo kiểu Anh cổ điển: những gương mặt cúi xuống lau nước mắt, những người nấc nghẹn, những cái ôm mặt hoặc ôm nhau chia sẻ. Các “doriani” (tifosi Samp) khóc và không huýt sáo la ó đội bóng như họ đã từng làm trong suốt những tháng ngày qua. Họ hiểu rằng các cầu thủ Samp đã làm tất cả những gì có thể, và trong cái ngày buồn đau thê thảm này, biết bao con người có số phận khác nhau ấy cùng chia sẻ một nỗi đau khi chứng kiến Sampdoria xuống hạng sau 8 năm đem đến cho Serie A một lối chơi tấn công mạnh mẽ và phóng khoáng nhất. Nỗi đau ấy bao trùm lên tất cả, và không gì có thể bù đắp nổi. Xuống hạng cũng giống như trong lòng đã chết một chút. Nhưng họ vẫn hát vang, cho tình yêu không bao giờ chết.

Trên sân, các cầu thủ Palermo không vui dù thắng lợi. Những người đã sút tung lưới Sampdoria đẩy họ xuống Serie B không ăn mừng, vì họ hiểu đã gián tiếp khiến đối phương rớt xuống địa ngục. Palombo, đội trưởng Sampdoria, người chiến binh đã cống hiến toàn bộ sức lực và trái tim suốt 9 năm qua chắp tay vái lại tất cả các tifosi. Đúng 20 năm trước, chỉ sai vài ngày (18/5/1991) cũng ở Marassi, là cờ hoa, những tiếng reo vui và cả những cái vái lạy cám ơn của Vialli với các tifosi. Nhưng đấy những động tác vì hạnh phúc vô bờ bến, cho một Scudetto đẹp đẽ đến giờ vẫn còn im đậm trong trái tim của hàng biết bao nhiêu doriani nay đã có thêm 20 tuổi đời. Số phận thật kì lạ và nghiệt ngã. 20 năm để kỉ niệm một thắng lợi vĩ đại bằng việc xuống hạng B, đúng một năm sau ngày họ leo đến thứ 4 trên BXH và dự Champions League. Hôm nay, đúng dịp kỉ niệm Scudetto 1991, bên bó hoa đặt ngoài trụ sở CLB ở Genova, sẽ có thêm những vòng hoa, 12 năm sau khi những vòng hoa tương tự được dành tặng cho Sampdoria một cách tượng trưng, với hình ảnh là chiếc bia mộ mặc áo xanh của đội đặt ở nghĩa trang Staglieno, nơi mãi mãi nằm lại thi sĩ/nhạc sĩ Fabrizio de Andre, một đứa con ưu tú của thành phố. Thật trùng lặp, 12 năm trước, khi Samp tụt hạng với số điểm còn cao hơn bây giờ (37 so với 36), Milan cũng đoạt Scudetto.

Tôi đã không ít lần đến Genova trong những năm ở Ý. Thành phố cảng ấy không có sức cuốn hút như Barcelona và không có cái nét sôi động đến điên rồ như Napoli, nhưng có sự lãng mạn của một thành phố bóng đá không bao giờ ngủ và lãng quên trong quá khứ. Dấu ấn của bóng đá xuất hiện ở khắp nơi, trên những bức tường, với các dòng chữ có nghĩa và vô nghĩa, trên những ô cửa số ở khu trung tâm cắm những lá cờ Genoa và Sampdoria, và những trận derby còn được cho là có ý nghĩa hơn cả cuộc sống và cái chết. Ngọn đèn biển ở cảng vẫn sẽ sáng hàng đêm. Chiếc thuyền buồm cổ ở cảng cũ vẫn ngày ngày gợi nhớ rằng Cristoforo Colombo, người đã tìm ra châu Mỹ, cũng là một người con của Genova. Liên hoan âm nhạc San Remo cách đấy hơn trăm cây số hàng năm vẫn luôn đem đến cho đời những giai điệu đẹp nhất. Một dải bờ biển chạy qua vùng Cinque Terre vẫn đẹp mê hồn. Chỉ có Sampdoria là xuống hạng. Hơn một nửa thành phố chìm trong bóng tối.

Những người bạn của Việt Nam ở Genova yêu Sampdoria mà tôi quen có lẽ buồn lắm. Ông bạn Luciano Sossai, người đã lái chiếc tàu chở đầy hàng nhân đạo đến Việt Nam vào năm 1974, sau khi Hiệp định Paris được kí kết, đã từng đột quỵ vì già yếu, nay đã bình phục. Nhưng có lẽ trái tim ông sẽ đau hơn nữa vì thất bại của đội bóng ông yêu. Ông bạn Sergio Bertorello có lẽ cũng không khác. Còn thị trưởng Marta Vincenzi, người rất có cảm tình với Việt Nam, một “doriana” đã tắt máy di động ngay sau trận đấu. Bà không muốn ai đó, trong một cuộc đàm thoại nào đó, nhắc đến nỗi đau mà hàng vạn doriani đang phải chịu. Trang sử buồn của đội bóng có logo là hình một người thủy thủ râu ria xồm xoàm đang ngậm tẩu, vẻ bất cần đời, chuẩn bị được mở ra.

Việc Samp xuống hạng là tấm ảnh hoàn hảo mô tả calcio trong những năm qua, khi những đội bóng nhỏ và trung bình dễ dàng rớt xuống địa ngục ngay sau khi lên thiên đường. Địa ngục ấy Samp đã cảm nhận được ngay từ đầu mùa bóng trước, khi bị Werder nhận chìm 3 bàn ở Marassi trong vòng sơ loại Champions League vào tháng 8/2010, khi Samp vẫn còn bộ đôi Mancini-Vialli của thời hiện đại, Cassano-Pazzini. Nhưng sự ra đi của họ vào tháng 1/2011 không phải là lí do duy nhất cho một cuộc sụp đổ kinh khủng nhất trong lịch sử. Sự sụp đổ ấy diễn ra từ trước đó, khi bộ đôi kiến trúc sư thắng lợi của Samp những mùa qua, Marotta-Del Neri, chuyển sang Juventus và Garrone, ông chủ của Samp, không tìm được những sự thay thế xứng đáng cho họ cũng như cặp Cassano-Pazzini. Samp không xuống hạng B chỉ vì thiếu những bàn thắng của họ, mà còn thiếu một sự lãnh đạo thông minh từ phía những ông chủ. Serie B có thể là một cơ hội để Samp nhìn lại mình và làm lại, để rồi hoặc có thể như Siena đã làm mùa này, trở lại ngay sau khi xuống hạng, hoặc giống như Torino, đã xuống hạng 3 năm, và nay vẫn vật vã trên đường trở lại Serie A.

Fabrizio de Andre, Bob Dylan của nước Ý, đã từng hát trong “Amore che vieni, amore che vai”: “Tình yêu  đến từ mặt trời hay từ những bãi biển giá lạnh/Biến mất tháng 11 hay trong nắng hạ/anh đã yêu em mãi hoặc anh không yêu nữa/Tình yêu đến, tình yêu đi mãi”. Các doriani có lẽ sẽ không hát thế. Họ đã theo Sampdoria xuống Serie B 12 năm trước và sẽ theo bây giờ, theo nhiều năm sau nữa, dù Samp có ra sao. Tình yêu của họ với Samp chỉ đến, và không bao giờ đi mất…


Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm