19/11/2016 07:20 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sau một năm thành công với chủ đề “5 người đàn bà hát”, mới đây, chương trình Master of Symphony 2016 đã trở lại bằng 4 đêm nhạc cùng 6 giọng ca tượng trưng cho 3 thế hệ.
Tuy nhiên, tính kết nối của chương trình lại khá mờ nhạt.
Hay nhưng không mới
Nếu tách riêng từng phần biểu diễn của đêm nhạc Master of Symphony vừa diễn ra đêm đầu tiên trong chuỗi 4 đêm tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) hôm 17/11 vừa qua, công chúng sẽ hoàn toàn tán đồng đó là một đêm diễn hay.
Những tràng pháo tay được vang lên liên tục cho phần trình diễn của Tuấn Ngọc khi anh mang lên sân khấu những bài hát như Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Áo lụa Hà Đông, Giọt lệ cho ngàn sau… Giọng hát của anh vẫn ấm áp, dàn trải và cuốn hút người nghe.
Phần biểu diễn song ca giữa Trần Thu Hà và Tùng Dương
Ý Lan, Bằng Kiều, Uyên Linh cũng vậy. Phần biểu diễn của riêng từng người vẫn lột tả được sắc vóc âm nhạc của họ với những bài hát đã đóng đinh tên tuổi.
Hà Trần và Tùng Dương là mang tính khác lạ nhiều nhất khi trình diễn những tình khúc cũ như Tôi với trời bơ vơ, Một mình, Riêng một góc trời… cộng thêm những bài đương đại mới nhất của họ như Thăng hoa, Mang thai…
Ban nhạc của Hoài Sa cùng dàn dây của Trần Nhật Minh đã có một đêm chơi khá thăng hoa và bay bổng, giúp những tiếng hát bay cao.Nhưng những điều ấy vẫn chưa đủ để làm nên một đêm nhạc đẳng cấp.
Nếu như năm ngoái, phần phối âm của Hoài Sa đem lại cho những bài hát cũ một dáng vóc mới và giúp các ca sĩ “thăng” tuyệt đối thì năm nay, những bản phối của anh lại không đem đến nhiều mới lạ. Nó khá an toàn với những giọng hát trong chương trình.
Cùng với đó, cả 6 giọng ca đều không có những màn trình diễn bùng nổ để có thể giúp Master of Symphony 2016 khác biệt với chính những gì mà cả 6 giọng ca này vẫn thường thể hiện ở những chương trình khác.Cho nên, dù Master of Symphony 2016 hay nhưng lại khá an toàn.
Thiếu kết nối
Một trong những điểm trừ của Master of Symphony 2016 là sự kết nối rất mờ nhạt. Sự mờ nhạt này nằm ở khâu nội dung.
Tất cả các ca sĩ ra hát đều hay, bài chọn đều tốt (theo một danh sách khá cũ kỹ) nhưng không tạo thành một chủ đề liền lạc. Sự kết nối, chuyển giao giữa các thế hệ (như màn song ca giữa Tuấn Ngọc và Uyên Linh) không ăn khớp. Nhiều đoạn ca sĩ Tuấn Ngọc phải nhìn vào màn hình chạy chữ để khỏi quên lời.
Hay màn song ca giữa Ý Lan và Trần Thu Hà trong bài Cho em quên tuổi ngọc lại bị chênh tiếng và trưng trổ quá đà khiến phần bè của cả hai nhiều lúc bị dài ngắn khác nhau.
“Song ca” được xem là một thứ vũ khí bí mật của nhà tổ chức đêm nhạc này để tạo dấu ấn nhưng 80% phần song ca đều khá bình thường nếu không muốn nói là khiên cưỡng khi nhiều người hát như trả bài, thậm chí quên lời dù đôi lúc vẫn liếc mắt liên tục vào màn hình chạy chữ.Vì thế, vũ khí bí mật ấy cuối cùng lại chẳng thể tạo thành một vệt nhấn quan trọng nào cho Master of Symphony 2016.
Phần hay nhất của chương trình có lẽ nằm trong tiết mục song ca Dệt tầm gai/Con cò của Trần Thu Hà và Tùng Dương. Cả 2 ca sĩ này đã phần nào đem lại sự mới lạ cho đêm nhạc bằng phần trình diễn biến báo, đẳng cấp và tươi mới.
Đó là điều khá đáng tiếc khi những danh ca lần đầu hội tụ mang tính thế hệ lại thiếu những màn trình diễn đẳng cấp. Nhạc mục dù hay nhưng lại không cô động, thiếu những điểm nhấn quan trọng.
Master of Symphony 2016 vẫn tỏ ra giá trị của mình nhưng chỉ dừng lại trong phạm vi là một đêm diễn tri ân khách hàng. Còn để muốn vượt qua giá trị thương hiệu và đến gần hơn với công chúng, thì năm nay, chương trình này vẫn không đem lại nhiều cảm xúc như chương trình năm ngoái.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất