08/07/2014 07:31 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Thế là nhà văn Tô Hoài, hay “cụ Tô Văn” như các văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội thích gọi, đã rời cõi thế “cát bụi chân ai” để về cõi vĩnh hằng. Vẫn biết đời người hữu hạn, dẫu sống bách niên thì rồi ai cũng phải lìa trần, nhưng khi được tin buồn này của một nhà văn như Tô Hoài thì đồng nghiệp văn giới cũng như đông đảo người đọc văn chương cũng không khỏi ngậm ngùi, bất ngờ.
1. Vì bao lâu nay tên ông đã đồng hành cùng văn chương Việt từ thập niên 1940 vắt qua tận mười năm đầu thế kỷ XXI. Vì chú Dế Mèn ông thả ra cánh đồng văn chương Việt hơn 70 năm qua vẫn tung tăng chạy nhảy trên trang sách được in đi in lại nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng, vẫn sống động linh hoạt trong tâm trí bao thế hệ người Việt, vẫn đồng hành cùng các cô bé cậu bé ở thời đại của game, của internet hôm nay. Vì ở tuổi bát thập ông vẫn còn viết những câu truyện của đời sống hiện tại, vẫn mơ ước làm một bộ tiểu thuyết như Don Kihote của thời nay. Vì tuổi cao dường như càng làm ông nhớ lại rõ hơn, đậm hơn những chuyện của ngày qua, những người của ngày xưa để rồi cho hiện hình lên trên những trang tự truyện, hồi ký rất đời, rất văn, thấm đầy vui buồn của cuộc nhân sinh và chữ nghĩa.
Ông là nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, với đủ các thể loại, trải nhiều đề tài. Ông viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống, viết như là sống, không phải kiểu nhà văn tài tử, chỉ nương nhờ theo cảm hứng. Văn Tô Hoài là văn về những cảnh đời, những phận người lấm láp, vất vả, nhất là những người dân quê ven đô, nơi ông sinh ra và lớn lên.
Điều này ngay từ khởi đầu văn nghiệp của ông, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận thấy “có tính chất đặc thôn quê” ở tập tiểu thuyết Quê người: “Phải là một nhà văn có tài quan sát lại sống gần gũi người dân quê mới viết được về cái xã hội ấy những trang có giá trị. Từ ngôn ngữ, cử chỉ, thói tục cho đến những cách sinh hoạt của những người dân quê sống về nghề dệt cửi ở vùng Bưởi, Tô Hoài đều đã tả với một nghệ thuật chân xác” (Nhà văn hiện đại, 1942).
2. Nhà văn vốn tên thật là Nguyễn Sen, nhưng bút danh nghề văn ông dùng là hợp tên sông Tô và tên phủ Hoài mà thành. Tô Hoài, cái tên văn gợi một vùng sống, nhắc một trách nhiệm văn. Bắt đầu từ đó, từ 1942, có một nhà văn Tô Hoài của vùng ven Hà Nội, của đất thủ đô, của nước Việt Nam, cho đến hôm nay ông về lại đất mẹ trọn một đời người đời văn.
Ông đã sống cùng nhân dân và đất nước từ trong Hội văn hóa cứu quốc trước cách mạng tháng Tám, đã tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) và làm Tổng thư ký khóa đầu, đã làm Chủ tịch từ đầu của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (1966), đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu (1996).
Trong lần gặp ông cuối cùng (không ngờ) tại bệnh viện năm 2013, khi ông trên giường bệnh chỉ nghe được mà không nói được, tôi còn làm vui cho ông với câu tếu táo: Bác nhất định phải khỏe lại, để lại tung tăng cùng các thế hệ văn chương nghệ thuật thủ đô kỷ niệm 50 năm thành lập Hội vào năm 2016. Ông lim dim đôi mắt rất Tô Hoài ra chừng hưởng ứng. Giờ thì năm ấy đến ông đã vắng mặt rồi.
Nhà văn ra đi để lại sau lưng mình bao nhiêu sách là sách do chính mình viết. Người ta nói (chưa thống kê chính xác) số đầu sách in ra của ông kể đến hàng trăm, xếp lại cao quá đầu người, như vậy ông là một trong hai nhà văn Việt Nam viết nhiều sách nhất. Ngoài văn, ông còn là một nhà báo với những bài báo rất thời sự, đời thường, và ông đã từng là tổng biên tập tờ Người Hà Nội của giới văn nghệ thủ đô.
Nhà văn Tô Hoài đã dừng bước cõi nhân gian ở tuổi 95. Nhưng văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách ông, thì vẫn tiếp tục cuộc hành trình cùng người đọc, với người đọc. Trong một lời tự bạch ở cuốn kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam (1997) ông có nói mình là người “tích cực sống và viết”. Rất đúng! Cuộc đời và văn nghiệp của Tô Hoài thực sự là của một con người tích cực gắn mình với đời sống, không ồn ào, ầm ĩ, mà lặng thầm, bền bỉ.
Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài, “cụ Tô Văn”, là biết từ nay ông sống trong văn ông, mở văn ra sẽ gặp người. Một người truyền được cho ta năng lượng “tích cực sống và viết”.
Hà Nội, ngày 7-7-2014
Phạm Xuân Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất