26/11/2018 19:54 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ngày 25/11.
Vụ việc có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự quy mô lớn này được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen, mà sâu xa hơn là cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga với phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Nga và Ukraine đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không để 2 tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển Kerch để vào Biển Azov. Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga.
Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nêu rõ 3 con tàu của Ukraine đã không phản hồi những yêu cầu hợp pháp của giới chức Nga, xâm phạm biên giới Nga để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải Nga. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích.
Vụ việc đang khiến tình hình trong khu vực nóng lên từng giờ. Tại Ukraine, chiều 26/11 (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Quốc hội nước này nhóm họp bất thường để xem xét quyết định áp đặt tình trạng chiến tranh trên toàn quốc trong 60 ngày, theo đề nghị của Tổng thống Petro Poroshenko.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng hành động của Moskva đe dọa an ninh các nước khu vực Biển Đen, do vậy cần có sự phản ứng rõ ràng từ phía cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng nước này Pavel Klimkin kêu gọi các đồng minh phương Tây "không hạn chế các tuyên bố liên quan vụ việc" và gia tăng sức ép với Nga. Lực lượng Hải quân Ukraine được đặt trong tình trạng báo động, trong khi toàn bộ quân đội Ukraine cũng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Về phần mình, Moskva đã triệu đại biện lâm thời Ukraine tại Nga để khiếu nại về vụ việc trên, sau khi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Pyotr Tolstoy cảnh báo giới chức Ukraine đang khơi mào cho một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, đồng thời tuyên bố Moskva sẽ không cho phép để xảy ra những hành động khiêu khích quân sự trong lãnh hải của mình.
Những diễn biến trên được xem là bước gia tăng đối đầu trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ đẩy hai nước tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn.
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn vào 11h ngày 26/11 (tức 23h cùng ngày - giờ Việt Nam) theo đề nghị của cả Nga và Ukraine để thảo luận về vụ việc.
Trong khi đó, một số đồng minh của Ukraine đã nhanh chóng lên tiếng nhằm xoa dịu những căng thẳng mới nhất này. Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế tối đa nhằm giảm leo thang.
Trên thực tế căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan tới biển Azov bùng phát từ đầu năm nay sau một loạt vụ hai bên bắt giữ các tàu của nhau, đỉnh điểm là vụ Hải quân Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga cuối tháng 3 cùng 10 công dân Nga, hay tàu chở dầu Mechanic Pogodin hồi tháng 8. Đáp lại, Nga siết chặt việc kiểm tra các tàu nước ngoài qua eo biển Kerch, trong đó nhiều tàu thương mại của Ukraine cũng bị giữ.
Tháng 12/2003, hai nước đã ký hiệp định về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, xác định đây là vùng nội thủy của hai nước, do đó các tàu thương mại, tàu chiến, cùng các loại tàu thuyền khác của Liên bang Nga hoặc Ukraine đều được hưởng quyền tự do hàng hải tại đây. Hiệp định cũng khẳng định mọi tranh cãi liên quan phải được giải quyết bằng đàm phán và thương lượng, cũng như các giải pháp hòa bình khác giữa hai nước.
Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 với việc Crimea được sáp nhập vào Nga, các nghị sĩ Quốc hội Ukraine đã nhiều lần đề xuất hủy bỏ hiệp định này. Ukraine cũng từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Azov, gia tăng số tàu hải quân và lực lượng tuần tra trên biển, triển khai thêm các lực lượng trên không, trên bộ, trên biển và pháo binh tới khu vực nhằm hiện thực hóa kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân tại đây trong năm 2018, kế hoạch vốn được đẩy mạnh sau khi Nga khánh thành một cây cầu bắc qua eo biển Kerch giữa Biển Đen và biển Azov, kết nối miền Nam nước Nga với bán đảo Crimea.
Chỉ trong tháng 9 vừa qua, Ukraine đã bổ sung 2 tàu chiến cho đội tàu trên biển Azov, quyết định phiên chế 2 tàu tuần tra lớp Island trang bị vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp tới đây và đóng cửa một số khu vực của biển Azov để bắn pháo.
Cùng với việc tiến hành các cuộc tập trận và lên kế hoạch tập trận với NATO tại biển Azov, Tổng thống Ukraine tuyên bố nước này sẽ chế tạo, sản xuất cũng như mua tên lửa có độ chính xác cao cùng nhiều vũ khí hiện đại để trang bị cho lực lượng hải quân được triển khai tại biển Azov.
Những động thái này được Ukraine tuyên bố là nhằm tăng cường an ninh quốc gia, song bị phía Nga coi là hành động khiêu khích với ý đồ "quân sự hóa" biển Azov, và đã triển khai thêm tàu cùng lực lượng tới khu vực này.
Nhiều ngày trước, báo giới đã lưu ý rằng Ukraine sẽ có những động thái mang tính "gây hấn" trên biển Azov nhằm khởi động một cuộc chiến với Nga. Có ý kiến cho rằng sự việc này như một tính toán của Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm gia tăng uy tín của mình trước kỳ bầu cử vào năm 2019, thậm chí có thể là hành động "gây nhiễu" trước cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo Nga và Mỹ tại Argentina cuối tháng 11.
Dù với mục đích gì thì biển Azov đã trở thành một điểm nóng mới trong quan hệ Nga và Ukraine, không chỉ khiến căng thẳng giữa hai nước càng khó hóa giải mà sẽ càng đẩy mối bất hòa giữa Nga và phương Tây đi xa và trầm trọng hơn, khi Ukraine đã nhiều lần đề xuất NATO và EU "can thiệp" vào vấn đề này, dù trên thực tế cả hai tổ chức nói chung không có bất cứ mối liên hệ nào đến biển Azov, vùng biển nội bộ giữa hai nước Nga và Ukraine.
Việc Nga và Ukraine kiềm chế và tuân thủ các điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hiệp định năm 2003 là điều cần thiết lúc này.
Trần Mạnh Hùng (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất