Ngẫm ngợi cuối tuần: Nhớ rừng

15/09/2024 17:14 GMT+7 | Văn hoá

Những ngày ở Thủ đô, tôi lại bâng khuâng nhớ rừng. Nỗi nhớ dội về như những cơn sóng biển rì rào trong những giấc mơ…

Năm tháng ấy đã xa trên nửa thế kỉ, mà vẫn nhớ như những thước phim vừa xem. Khi ấy ngày Hè mát mẻ, còn mùa Đông thì lạnh cóng. Nhà tôi ở sát bên con suối Điệp hiền hòa. Lội qua suối nước xanh mắt mèo ấy là bước chân vào rừng. Ngày nóng nực, nhảy ào xuống suối tắm mát, đêm nằm văng vẳng nghe suối reo. Những ngày giở giời, nghe tiếng réo sôi của suối là biết.

Mãi bây giờ mới hiểu ra nơi ở của nhà mình là bên rừng nguyên sinh. Lúc ấy chỉ biết gọi rừng già.

Rừng già như làng xóm của con người. Có đủ mặt các loại cây. Trên mặt đất là dây nâu có củ nâu lấy về giã mịn rồi ngâm lấy nước nhuộm vải, còn dây thì cạo vỏ bện thành chạc trâu hoặc làm quang gánh. Dây gắm dẻo dai leo vắt cây nọ sang cây kia. Thân nó làm cây thuốc chữa bệnh thận, quả nó rang lên ăn rất bùi.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Nhớ rừng - Ảnh 1.

Rừng Lòi Chùa ở thôn Đồng Thành (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch) là khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ quý. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Riêng cây nứa thôi cũng có nhiều loại. Nứa ngộ, lá to phàn phạt, thân to bằng bắp tay, mang về làm ống chúm đánh lươn. Nứa tép thì nhỏ bằng ngón tay chỉ để cắm gièo cho đỗ leo hay buộc dứng trát vách nhà. Còn nứa thông thường thân bằng cổ tay trẻ con, đem về dập ra chặt thành từng đoạn chừng 4 gang tay để đan gắp gianh lợp mái nhà. Có loại nứa sậy mà rễ của nó đem làm ống điếu thì đẹp mê hồn. Thân nứa sậy mỏng và yếu ớt chẳng dùng được vào việc gì. Con dúi mà gặp bụi nứa sậy thì nó đào hang ở lì ăn đến mẩu rễ cuối cùng vì rễ nứa sậy vừa mềm vừa ngọt. Cũng vì thế mà nứa sậy sớm bị tuyệt diệt.

Rừng giang thì luôn bò xoài theo triền khe đất vì giống này ưa nước, nhiều tầng lá xòa kín cả một vùng. Chui vào dưới tán lá chỉ thấy tối om! Tháng Ba, mùa măng mọc thì giang nứa cấp măng cho cả xóm món ăn giàu chất xơ, dù chẳng bổ béo gì.

Bấy giờ, chúng tôi thường chỉ nhớ tên những cây có quả để leo trèo, hái lượm. Có hôm luồn rừng gặp cây dâu da, những chùm quả chèn kín cả thân từ gốc đến cành. Dâu da trắng ngọt lịm, dâu da đỏ hơi chua. Mẹ bảo dâu da độc lắm. Một quả dâu da bằng ba cái mụn. Nhưng gặp nó, vị chua ngọt lôi kéo, quên cả lời dặn, ăn no trợn mắt mới thôi!

Khi gặp cây bứa đang chín vàng thì không còn gì sướng hơn. Quả bứa múi trắng phau xếp như múi măng cụt, ăn ngọt và có vị chua nhẹ hấp dẫn vô cùng. Gặp cây bứa, ăn no rồi còn đan sọt cõng về!

Dưới tán lá rừng ấy có cheo cheo, chuột rừng, rắn rết, hươu sóc; dưới khe đát có rùa, cua núi, ếch xanh. Chim chóc thì đủ loại không kể ra hết được.

Trời ạ, cây cỏ, động vật đủ thứ đủ loài phong phú như xã hội loài người. Rừng nguyên sinh là thế. Một xã hội thực vật động vật hài hòa! Đó là cái kho của cải, nguồn gene đa dạng muôn loài nghìn năm tích tụ mới có.

Đấy là cái kho của trời, cho người xóm tôi cái ăn, cái uống, cái mặc, cây thuốc chữa bệnh. Rừng che chắn mọi mặt cuộc sống và hiến tặng cả bầu khí trời trong lành miễn phí mà không ai biết. Thời ấy hết cái ăn thì lên rừng đào củ mài, củ pấu, hái rau ngót rừng, bẻ ngọn thồm lồm, đặt cạm bắt chim, bắt chuột.

Đường đời trên nửa thế kỉ trôi đi là cuộc vật lộn để sống đã cán lướt đi bao nhiêu giá trị của trời đất. Nhớ quê là nhớ những kỉ niệm thôi chứ thiên nhiên thời ấy đâu còn nữa. Một gương mặt đồng đất mới đã thay thế hoàn toàn, đến mức một ngôi nhà buộc dứng, trát vách mà đám trẻ ngày nay cũng không biết.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm