Ngẫm ngợi cuối tuần: Đúng qui trình!

18/04/2015 08:00 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Bây giờ một số nơi, lãnh đạo có thói quen ngồi nhận báo cáo cấp dưới để xử lý công việc. Không có báo cáo gì coi như thiên hạ thái bình, thông tin các chiều có đến cũng chưa thể làm ai bận lòng nếu cấp dưới chưa có thông tin gửi lên...

Tôi còn nhớ chuyện một huyện giáp biên ở Cao Bằng, phóng viên một tờ báo tận mắt nhìn lâm tặc kìn kìn chở thớt nghiến theo đường mòn bán sang Trung Quốc, khi đến cơ quan quản lý chất vấn thì lãnh đạo trả lời tỉnh queo: “Anh  lấy tin tức ở đâu? Tôi chưa thấy cấp dưới báo cáo lên, hàng ngày cán bộ của chúng tôi vẫn kiểm soát rừng, có thấy gì đâu?”.

Lại còn chuyện này nữa: Hiện ở một số  nơi, chính quyền làm sai bị phản ứng, nhưng họ không bao giờ chịu nhận sai, mà thường là “chúng tôi làm đúng qui trình”, hoặc “nghị quyết không sai, chủ trương không sai”.

Phải nói thẳng ra rằng kiểu nói như thế chỉ nhằm bao biện chứ không thuyết phục được ai!

Vâng, nói là “ đúng qui trình”, nhưng người ta quên rằng qui trình hay nghị quyết mới chỉ là ngôn ngữ trên giấy. Khi còn trên giấy thì dù có sai nó cũng chưa gây tác hại. Chỉ khi triển khai trên thực tế, đúng sai lúc đó mới biết. Cho nên người ta đánh giá giá trị của qui trình là sau khi nó được triển khai hoàn tất, các giá trị sẽ được kiểm nghiệm trên thực tế. Cái theo đúng qui trình mà vẫn hỏng  thì có nghĩa là cái qui trình kia có vấn đề. Sao không tự hỏi và kiểm tra ngay cái qui trình mình làm ra mà cứ lúng búng như gà mắc tóc thế. Xin thưa, đó là cái khuôn đã bị hỏng rồi đó!

Trên sa mạc, con đà điểu khi thấy bão, nó nhắm nghiền mắt rúc đầu vào cát. Mắt không thấy bão thì không sợ nữa. Nói tóm lại nó là loài vật sợ sự thật! Mà sợ sự thật là dễ bị một hệ lụy là không bao giờ tiếp cận được với sự thật. Và đà điểu chả bao giờ biết sự thật về bão cát trong đời nó!

Lãnh đạo theo báo cáo là chuyện quan liêu, còn chuyện sai rồi nhưng cãi cố là “qui trình không sai” cũng là kiểu cãi bừa, một kiểu của chứng bệnh quan liêu..

Bệnh này cụ Hồ đã thấy và  nhắc từ khi thành lập nước. Bao nhiêu thế hệ  cán bộ học đi học lại thành thuộc làu. Vậy mà giờ nó trở lại tác quái trên diện rộng ở khắp nơi...

Tất cả chỉ là do nói một đằng, làm một nẻo thì nó thành ra thế thôi!

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm