Nhật kí hành trình: 'Paso doble' một lần nữa, với những người Tây Ban Nha

13/06/2014 22:27 GMT+7 | Ký sự World Cup

(giaidauscholar.com) - Số phận thật kì lạ với tôi và những người Tây Ban Nha. Hai năm trước, tôi đã ngồi giữa họ trên khán đài sân Kiev ở trận chung kết EURO 2012.

Đêm ấy, Tây Ban Nha đánh bại Italy và những khán giả điên rồ của đội “Roja” ấy đã mời tôi hát và nhảy cùng họ trong điệu paso doble. Họ biết tôi buồn khi Italy thất bại, và muốn an ủi một chút nào đó bằng cách đưa tôi vào cuộc vui, khi ấy đang bắt đầu.

Hai năm sau, những điệu paso doble không vang lên ở sân bay Barajas của Madrid nữa, mà là Miley Cyrus và những bài hát đầy kích động của cô ầm ĩ trên loa khi tôi hạ cánh xuống đó, trong điểm dừng chân đến Brazil. Chuyến đi của tôi đến World Cup ở đất nước rộng lớn bên kia Đại Tây Dương phải qua Tây Ban Nha, lại Tây Ban Nha, bằng máy bay của một hãng hàng không Tây Ban Nha.

Hành khách trong chuyến bay từ Roma sang Madrid quá nửa là người đến từ xứ sở bò tót. Cũng tương tự như thế trong chuyến bay từ Madrid vượt Đại Tây Dương sang Brazil. Trên máy bay, họ không nói đến vấn đề gì khác ngoài bóng đá và những giấc mơ World Cup. Phải, họ đã vô địch thế giới, đã hai lần liên tiếp chiến thắng trong các trận chung kết EURO, đã thống trị các bảng xếp hạng của thế giới trong 6 năm qua, đã chinh phục tất cả những đỉnh cao có thể với tới. Nhưng họ không hề muốn dừng lại, bất chấp những điều mà báo chí (không phải Tây Ban Nha) nói về họ: sau những thắng lợi và danh hiệu, niềm khao khát đỉnh cao của họ không còn được như xưa.


Cậu thanh niên ngồi cạnh tôi trên máy bay, một người điên rồ vì Barcelona, nơi cậu sống, đã dành cả tiếng đồng hồ để giải thích cho tôi, rằng Tây Ban Nha của cậu vẫn rất khao khát những danh hiệu. “Anh phải hiểu rằng, khối Barcelona của đội tuyển vẫn chơi rất tốt. Và khi Barcelona gặp khủng hoảng phong độ ở mùa này, thì Del Bosque đã có thêm những phương án khác. Ở World Cup 4 năm trước, chúng tôi dùng Cesc như một số 9 ảo. Bây giờ, Tây Ban Nha đã có một số 9 thật sự, Diego Costa”.

Tôi chỉ biết gật đầu tán thưởng và không dám phản đối. Tôi cũng chỉ biết làm điều tương tự với lập luận của hai bà già ngồi ở hàng ghế kế bên: “Năm nay, đối thủ của Tây Ban Nha rất mạnh. Brazil có Neymar. Argentina vẫn còn Messi, và cậu ấy chắc chắn sẽ làm tất cả để chứng tỏ rằng, World Cup 2010 chỉ là một tai nạn với cậu ấy. Nhưng chúng tôi đã có Torres”. À, phải rồi, Torres, người luôn có duyên với đội tuyển, người đã bán mình (lời của cậu ngồi cạnh) cho Chelsea để đánh đổi lấy tiền bạc nhưng thất bại trên cấp câu lạc bộ. Nhưng anh vẫn là người hùng của không ít các cổ động viên, như hai bà già cũng bay sang Brazil ủng hộ đội tuyển kia.

Tôi không biết phải nói gì để lung lạc ý chí của họ, rằng thời đi xuống của đội Tây Ban Nha thực ra đang đến. Tiki taka không còn là mốt sau thất bại của Barcelona. Bản thân Guardiola, người đã nâng thứ bóng đá ấy thành một nghệ thuật, cũng thất bại trong việc đem nó đến Bayern, khi anh và đội bóng Đức thảm bại ở Champions League. Những người trên đỉnh cao vinh quang và đã nhiều năm hưởng thụ chiến thắng trên tầm thế giới như các cổ động viên Tây Ban Nha không muốn nghe ai đó nói về một sự sa sút, một khi nền bóng đá của họ vẫn đang chiến thắng.

“Mùa này, có đến 3 CLB Tây Ban Nha vào chung kết các Cúp Châu Âu, và cả 2 Cúp Châu Âu đều thuộc về chúng tôi”, cậu thanh niên nói to hơn, cố gắng át tiếng rít của động cơ máy bay, “và đội tuyển Tây Ban Nha đang là đương kim vô địch thế giới. Trong 13 trận đấu của World Cup và EURO gần nhất, chúng tôi chỉ để thủng lưới có 3 bàn”. Những con số thống kê thật ấn tượng, và những cổ động viên của Tây Ban Nha luôn biết sử dụng chúng như vũ khí để thuyết phục những người khác không cùng chí hướng với họ, chẳng hạn như tôi, từ bỏ các luận điểm họ không thích. Hai bà già ngồi hàng kế bên gật đầu tán thưởng, nói thêm: “Muốn đánh bại Tây Ban Nha, phải sút tung lưới chúng tôi trước đã. Chẳng ai làm được điều này”. “Nhưng chẳng phải Tây Ban Nha đã bị Brazil làm thủng lưới đến 3 bàn ở Confederations Cup đó sao?”, tôi vẫn cố sống cố chết đấu tay đôi với họ. “Đấy là một giải vô giá trị”, một bà già trả lời. Tôi đành chịu thua.

Tôi không biết liệu Tây Ban Nha có vào đến trận chung kết ở Rio đêm 13/7 không và cũng không rõ, sau mỗi chiến thắng, điệu paso doble có vang lên trên các sân bóng Brazil hay không, chỉ biết rằng, một khi chiến thắng đã trở thành một thói quen, một trách nhiệm, một dạng bản năng, thì bản thân việc cứ cố phải thắng mãi cũng sẽ trở thành một sức ép kinh khủng với những người Tây Ban Nha.

Họ sẽ chống lại sức ép như thế nào, đơn giản chỉ bằng cách đưa Diego Costa vào đội hình và sẵn sàng sử dụng Koke trong trường hợp Xavi, nhân tố quan trọng nhất của tiki-taka, đang sa sút? Del Bosque sẽ chống lại lịch sử ra sao, khi lần gần nhất một đội bảo vệ thành công chức vô địch thế giới cách đây đã 52 năm (Brazil, World Cup 1962) và cũng chưa có HLV nào giành hai chức vô địch thế giới liên tiếp kể từ năm 1938 (Vittorio Pozzo). Có lẽ, Del Bosque và các cổ động viên của Tây Ban Nha không thèm nhìn và tin những con số ấy. 6 năm chiến thắng liên tiếp đã đổ bê tông vào niềm tin tất thắng của họ. Và ở World Cup này cũng vậy, không có gì thay đổi.

Máy bay hạ cánh xuống Salvador de Bahia. Các cổ động viên Tây Ban Nha đổ bộ xuống đây cho trận đấu với Hà Lan. Màu đỏ rực lên ở góc sân và thoáng đâu đó có ánh vàng của một chiếc Cúp vàng vô địch World Cup được bọc bằng giấy màu. Họ muốn chiếc Cúp ấy bằng vàng khối thật trong đêm Rio 13-7. Chiến đấu vì nó đi. Vinh quang sẽ chỉ thuộc về người biết chiến thắng.

Trương Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm