Những kỹ năng để trẻ tránh sự xâm hại của 'yêu râu xanh'

14/03/2017 20:27 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây khiến cho không ít ông bố, bà mẹ tỏ ra lo lắng. Để bảo vệ con trẻ tránh khỏi "yêu râu xanh", các ông bố bà mẹ cần phải thực hiện các kỹ năng sau:

Trang bị kỹ năng phòng vệ trẻ

Theo Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, để tránh tình trạng xâm hại trẻ nhỏ, phụ huynh cần sớm trang bị kỹ năng phòng vệ cho con. Nên mặc quần lót cho trẻ khi lên ba tuổi để trẻ ý thức được rằng, bộ phận sinh dục cần được bảo vệ, không được lộ liễu và cho người khác đụng chạm.

Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng đơn giản nhất để tránh sự xâm hại của những yêu râu xanh. Ảnh: Internet

Khi không có cha mẹ, không được để cho người lạ hay người khác đụng chạm vào 3 vùng trên cơ thể, đó là môi, ngực và bộ phận sinh dục. Nếu có người đụng chạm thì cần hét to để những người xung quanh biết và giúp đỡ.


Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng đơn giản nhất để tránh sự xâm hại của những yêu râu xanh. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, luật sư Bích Liên, Chi hội phó Chi hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết của các bé mà cha mẹ có thể dạy cho bé những kỹ năng dù đơn giản nhất nhưng vẫn có thể tạo được hiệu quả bất ngờ giúp các bé tự bảo vệ mình. Khi có người lạ đụng chạm vào người thì nên hướng dẫn bé la to lên. Khi bé la to lên chắc chắn ở nơi công cộng kẻ xấu sẽ có tật giật mình, bỏ chạy. Nếu xảy ra ở trường thì nên báo ngay với giáo viên chủ nhiệm hoặc cô thầy cô hiệu trưởng.

Tạo thói quen cho bé kể chuyện với bố mẹ

Cần dạy cho trẻ thói quen thường xuyên kể chuyện với bố mẹ về những gì mình thấy, những ai đã gặp và người gặp mặt đó chơi với trẻ như thế nào. Bên cạnh đó, cũng cần dạy trẻ không cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho ba mẹ và người thân biết.

Bên cạnh đó, bác sĩ tâm lý Kiều  Thanh Hà cũng lưu ý phụ huynh không nên để trẻ một mình ở những nơi vắng vẻ vì trẻ chưa có khả năng phòng vệ. Phụ huynh cần có sự quan tâm bé kỹ hơn. Về phía nhà trường, trong giới hạn quản lý cũng phải có trách nhiệm để mắt, bảo vệ trẻ.

Theo các chuyên gia, các bậc cha mẹ hãy bảo vệ con mình bằng những cách đơn giản như tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa cha và con trai, mẹ và con gái. Thường xuyên hỏi han, tâm sự cùng nhau, tạo cho con có thói quen kể hết mọi chuyện cho bố mẹ nghe. Nắm rõ lịch sinh hoạt của bé như bé đi học mấy giờ về, đi chơi ở đâu, nhà ai, thời gian bao lâu? Tuyệt đối không nên giao khoán con cho người giúp việc. Chỉ cần người giúp việc lơ đễnh một phút, con bạn có thể gặp nguy hiểm.

Làm gì khi chẳng may con bị xâm hại?

Theo luật sư Bích Liên, có không ít vụ xâm hại thân thể trẻ nhỏ, do nhận thức của phụ huynh thấp, đa số là công nhân lao động nghèo nên không biết cách xử lý tình huống, như không đưa con đi khám kịp thời hoặc làm mất hết chứng cứ. Cũng có một số gia đình sợ ảnh hưởng đến danh dự con cái nên im lặng. Điều này hết sức nguy hiểm vì đứa bé không được giúp đỡ, can thiệp sẽ chịu những ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý.

Bởi vậy, khi nhận thấy bé có biểu hiện khác thường, hãy khéo léo dò hỏi, tránh làm bé hoảng sợ. Trong trường hợp nghi ngờ bé có dấu hiệu bị tổn thương, bạn cần đưa bé đi khám sức khoẻ và làm xét nghiệm ngay tức khắc.

Luật sư Bích Liên, chia sẻ: "Tôi tiếp nhiều vụ phụ huynh biết con mình bị xâm hại nhưng lại không biết cơ quan nào để trình báo, không biết làm gì để bảo vệ con họ".

Theo luật sư Bích Liên, trong trường hợp nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường thì nên động viên con nói ra sự thật. Nếu chẳng may có dấu hiệu bị xâm phạm thân thể thì nên đưa con đến ngay phòng khám phụ khoa gần nhà nhất để khám, song song đó cũng trình báo đến cơ quan chức năng.

Trong quá trình giải quyết sự việc, chứng cứ đóng vai trò hết sức quan trọng. Đề phòng trường hợp cơ quan khám bệnh không cung cấp bệnh án, phụ huynh nên ghi âm bác sĩ lại làm chứng cứ. Đặc biệt, khi bác sĩ ghi toa thuốc, trong đó sẽ ghi rõ bệnh án, triệu chứng cũng là chứng cứ. Riêng quần áo, nếu có dấu vết cũng cần lưu giữ, không nên giặt giũ, vứt bỏ.

Theo Đan Phương - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm