17/12/2014 13:01 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 16/12, tại Quảng Nam, diễn ra Hội nghị Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An và Mỹ Sơn qua 15 năm được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.
Người Quảng Nam chờ đợi những giải pháp tháo gỡ công tác bảo tồn cho nhiều di sản Hội An và thánh địa Mỹ Sơn đang xuống cấp, thậm chí có nguy cơ biến mất, như nhà cổ Hội An, như nhiều đến, tháp Mỹ Sơn.
Chuyên gia Trương Quốc Bình - Nguyên thành viên Hội đồng di sản Quốc gia đánh giá: “Sau 15 năm nhìn lại, bộ mặt của Quảng Nam có nhiều thay đổi cơ bản. Khi đứng đây, khiến tôi bồi hồi nhớ lại quá trình sát cánh cùng anh, em Quảng Nam xây dựng hồ sơ, đi tranh luận tại nước ngoài để mang danh hiệu di sản thế giới về cho Mỹ Sơn và Hội An…Tôi cũng xin nói lại ngày Hội An và Mỹ Sơn được công nhận là di sản là ngày 2/12/1999 chứ không phải là ngày 4/12”.
Qua đây, ông Bình kiến nghị một cơ chế đặc thù đối với hai di sản này; đề nghị các chuyên gia tiếp tục có nhiều nghiên cứu về Mỹ Sơn vì một số chuyên gia Ấn Độ cho rằng chính người Chăm Pa sang Ấn Độ để xây dựng đền tháp, nên không thể nói kiến trúc của Mỹ Sơn ảnh hưởng bởi Ấn Độ.
Nhiều ý kiến trong hội nghị đều đề nghị vấn đề kinh phí nhưng phía Cục di sản dự báo ngân sách cho di tích, di sản có thể sẽ giảm
Trong 15 năm qua, Hội An đã tu bổ, tôn tạo 425 di tích, với tổng kinh phí là 188 tỷ đồng. Với sự quan tâm đầu tư tu bổ di tích của các cấp và cộng đồng nhân dân, đến nay Hội An đã thoát khỏi nguy cơ báo động khẩn cấp về tình trạng xuống cấp di tích như những năm thập niên đầu thế kỷ XXI. Theo ông Lê Văn Giảng- Chủ tịch UBND TP Hội An, để làm được điều đó, là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc ban hành nhiều chủ trương chính sách.
Riêng Mỹ Sơn, là di tích kiến trúc đền tháp Chăm, mang tính chất đặc biệt về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Vì thế, ông Lê Trung Hoa- Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đề nghị: “Bộ tiếp tục hỗ trợ chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn trùng tu tháp Chăm Mỹ Sơn; Trên cơ sở kết quả của dự án trùng tu tháp G, từ đề án nghiên cứu, khảo sát thiết kế cơ sở trùng tu tháp F1, tiếp tục cho tiến hành lập dự án thiết kế kỹ thuật, tu bổ trùng tu tháp F1 theo dự án bảo tồn tu bổ cấp thiết đã được phê duyệt.”
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Đinh Văn Hài- Giám đốc Sở VHTT&DL chỉ ra khó khăn: “Mặc dù đã thoát khỏi nguy cơ báo động về tình trạng xuống cấp di tích song hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn nhiều di tích cần được đầu tư tu bổ trong khi đó nguồn ngân sách của địa phương chưa thể đáp ứng đủ, việc tiếp cận các nguồn vốn thuộc chương trình hổ trợ có mục tiêu của chính phủ còn hạn chế. Bên cạnh đó nguồn vật liệu tu bổ di tích cũng bị thu hẹp nhất là vật liệu gỗ, do đó chất liệu gỗ được sử dụng trong tu bổ di tích chất lượng chưa được đảm bảo; vật liệu ngói, gạch đảm bảo quy chuẩn dùng cho công tác tu bổ đối với từng di tích cũng rất khiêm tốn.
Cho đến nay chỉ mới làm được một số ít dự án liên quan đến hạ tâng di tích và tu bổ các nhóm tháp G, thông qua hợp tác quốc tế và tháp E7 với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được từ Dự án Quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn. Đến nay vẫn còn những tồn tại, khó khăn, nhiều hạng mục chưa được thực hiện do thiếu nguồn kinh phí đầu tư”.
Hầu hết các ý kiến trong hội nghị đều cho rằng cần thêm nguồn kinh phí cho công tác tu bổ và phát huy giá trị di sản thì ông Nguyễn Thế Hùng- Cục trưởng Cục di sản Văn hóa nói: “Năm nay, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cho các di tích đã giảm 60-70% do kinh tế của cả nước khó khăn. Bộ đã đưa về địa phương 99,9% ngân sách Bộ nhận được. Vì thế, địa phương phải chủ động về ngân sách tu bổ các di sản này.”
Như vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn và Hội An trong năm tới, chủ yếu trông chờ vào việc “tự thân vận động” của địa phương.
Hồng Thúy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất