16/04/2016 11:42 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) - Trong phim này biên kịch là "Chúa", coi khán giả không khác gì trẻ con, khi cần sẵn sàng tạo ra những tình huống phi lý để giải quyết "nút thắt". Khán giả bị dắt mũi, nhưng vẫn tình nguyện, cam tâm mê mệt phim này, vì sao vậy?
Từ tập 12 trở đi, "Hậu duệ mặt trời" lộ rõ những ý đồ dàn dựng lộ liễu, nhưng phim có 16 tập mà đến tập 12 mới chán thì khán giả vẫn đủ sức chịu đựng đợi đến cái kết.
Khán giả bị coi như trẻ con
"Hậu duệ mặt trời" là câu chuyện tình yêu giữa một chàng đại úy chuyên tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới và một nữ bác sĩ thuộc tổ chức y tế không biên giới. Tình yêu của họ cực kỳ trắc trở bởi nghề nghiệp quá đặc biệt, nhưng cũng vì thế mà cả hai có cơ hội vào sinh ra tử cùng nhau, nhờ đó có cơ hội yêu nhau.
Lần đầu tiên khán giả được chứng kiến tình yêu giữa Yoo Shi Jin (Song Joong Ki đóng) và bác sĩ Kang Mo Yeon (Song Hye Kyo đóng), hai con người có nghề nghiệp vô cùng đặc biệt. Là quân nhân, chàng đại úy Yoo thường xuyên phải vào sinh ra tử, thậm chí giết người với mục đích bảo vệ chính nghĩa. Làm nghề Y, bác sĩ Kang gần như dành phần lớn thời gian trong phòng cấp cứu, phòng phẫu thuật, ngay cả khi gặp kẻ xấu bị thương, Kang vẫn sẽ làm đúng y đức, trước tiên là cứu sống người. Hai con người bận bịu điên rồ, tưởng như không bao giờ có cơ hội để đi tìm kiếm người yêu cuối cùng cũng có cơ hội để gặp gỡ và yêu nhau.
Tất nhiên tình yêu này trắc trở gấp 10 lần tình yêu bình thường, vì chàng là quân nhân phải làm nhiệm vụ quốc tế. Không có một cuộc hẹn hò nào giữa chàng và nàng diễn ra bình thường, chàng thường xuyên bị đơn vị gọi về đột xuất để đi làm nhiệm vụ. Nhưng chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho phim. Khán giả, đặc biệt là khán giả nữ thích chuyện tình yêu. Và cái giai đoạn tán tỉnh, dền dứ giữa hai nhân vật nhau càng kéo dài lâu, họ càng thích.
Tất nhiên việc tạo nên tình yêu giữa hai con người làm nghề nghiệp đặc biệt như vậy là thách thức lớn đối với biên kịch vì họ sẽ phải tìm rất nhiều tình tiết để "bồi da đắp thịt" cho nhân vật, họ cũng cần những tình huống thật sự thuyết phục để giải quyết những mâu thuẫn họ gieo từ đầu.
Ngay từ đầu phim khán giả đã nhận thấy ý đồ kết nối nhân vật của biên kịch, nhưng càng về sau càng lộ liễu, biên kịch có xu hướng coi mình là "Chúa" muốn nhào nặn câu chuyện thế nào khán giả cũng phải chấp nhận.
Từ tập 12, bác sĩ Kang bị bắt cóc, và đại úy Yoo đã bất chấp quân lệnh một mình vào "hang hùm" để cứu nàng. Vụ giải cứu được dàn dựng theo hướng có lợi cho Yoo, chàng vượt qua vô vàn chướng ngại vật dễ như "ăn kẹo", bị bắn cũng không hề hấn gì để cứu mỹ nhân.
Đến tập 14 khi chàng được về Hàn Quốc, thực hiện nhiệm vụ nội địa thì mức độ phi lý đã vượt ngưỡng chịu đựng của khán giả. Bị bắn ít nhất 3 phát đạn, vào đến phòng cấp cứu của bác sĩ Kang, tim của đại úy Yoo gần như ngừng đập nhưng sau khi được người yêu cứu sống anh tỉnh như sáo và ngay lập tức đi lại bình thường.
Đến tập 15, biên kịch để Yoo đi thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm. Kết thúc nhiệm vụ, Yoo cùng người bạn chí thân bị bắn hạ bất ngờ. Cảnh kết là đạn pháo nã vào chỗ hai người khiến khán giả nghĩ rằng họ đã hi sinh.
Đương nhiên, khán giả biết hai anh chàng quan trọng nhất trong phim không thể chết, hoặc nếu không, họ vẫn sẽ không nguôi hi vọng nhân vật sẽ sống. Biên kịch biết thừa điều đó, nhưng sau khi cho khán giả thương tiếc hai nhân vật nam chính suốt 1 tập, cách biên kịch để họ sống sót trở về cực kỳ đơn giản, dễ dãi, coi khán giả không khác gì "trẻ con". Đơn giản là cho một người lính thuộc lực lượng đặc biệt của Bắc Hàn đột nhiên xuất hiện giải cứu. Toàn bộ cuộc giải cứu đó đã được tỉnh lược, chỉ thể hiện lại bằng vài hình ảnh.
Cách hai chàng trở về rất "sến", nhưng một lần nữa biên kịch Hàn lại thắng, vì họ luôn biết khán giả cần gì.
Tình yêu lý tưởng
Đại úy Yoo cũng là một nhân vật "trong mơ" của khán giả nữ. Anh là một quân nhân tràn đầy lý tưởng, mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần, có một dung mạo hoàn hảo, một tình yêu mạnh mẽ, mãnh liệt, sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu người yêu.
Tình yêu giữa đại úy Yoo và bác sĩ Kang cũng là tình yêu lý tưởng, khi hai con người luôn một lòng hướng về nhau, sẵn sàng hi sinh cho nhau. Biên kịch giỏi ở chỗ họ đã hòa được những thứ "to tát" như tình yêu nước, tình yêu thương đồng loại vào trong tình yêu của một cặp trai gái. Điều đó khiến bộ phim trở nên nhiều lớp lang và "lớn" hơn. Phim lúc này không chỉ còn là khơi gợi những giấc mơ tiềm ẩn trong khán giả, mà còn khơi gợi những cảm xúc tốt đẹp của con người. Chính vì thế mà "Hậu duệ mặt trời" thành công.
Ngoài ra, cái giỏi của biên kịch "Hậu duệ mặt trời" là biết cách làm mềm hóa, đời hóa những "lý tưởng" do họ tạo ra. Kang dẫu là một bác sĩ xinh đẹp, tài năng, nhưng cô là người sống đơn giản, có mục tiêu rất thực tế, đặc biệt có khát khao kiếm tiền rất lớn. Yoo, dẫu đẹp trai, anh hùng, hài hước, dễ mến nhưng do đặc trưng nghề nghiệp rất khó tìm kiếm bạn gái, khi mới hẹn hò, anh đã bị bác sĩ Kang "đá" vài lần.
Biên kịch cũng rất giỏi trong việc tìm ra những đặc trưng nghề nghiệp của hai nhân vật để tạo nên đặc trưng trong tính cách cũng như tình huống. Có vô số những chi tiết thú vị được tạo nên xung quanh nghề nghiệp của hai nhân vật. Tóm lại nhân vật có nghề nghiệp, được sống với nghề nghiệp trong phim, chứ không giống kiểu phim Việt, nhân vật có nghề cũng như không. Ngoài ra, thoại phim rất dung dị đời thường, hài hước, dễ thương khiến nhân vật trở nên hết sức thú vị.
Một điểm cộng nữa là hình ảnh của bộ phim, luôn đẹp ở mọi góc nhìn. Với một dàn diễn viên toàn mỹ nam, mỹ nữ, khi xuất hiện dù khóc hay cười, họ đều đẹp tuyệt vời khiến khán giả mê mẩn. Khán giả nào đã từng xem Tuổi thanh xuân (phim hợp tác Việt - Hàn) sẽ thấy người Hàn coi trọng hình ảnh thế nào. Khi quay ở Việt Nam, đạo diễn Việt Nam thực hiện hết, nhưng riêng phần hình ảnh là do phía Hàn Quốc đảm nhận và kiểm soát. Được biết lương của quay phim phía Hàn cao gấp đôi lương của đạo diễn Việt Nam.
Hậu duệ mặt trời là một bộ phim được thực hiện theo phương thức quay xong, làm hậu kì rất kĩ lưỡng, chỉn chu rồi mới phát sóng. Với phim Âu - Mỹ chuyện này quá đỗi bình thường, nhưng với người Hàn thì đây lại là điểm mới, vì lâu nay Hàn Quốc vẫn thực hiện phương thức "cuốn chiếu", vừa sản xuất vừa phát sóng. Làm như vậy họ có khả năng nắm bắt nhu cầu khán giả để điều chỉnh nội dung phim. Đơn cử "Tuổi thanh xuân" cũng bắt chước phim Hàn, trước tập cuối trưng cầu ý kiến khán giả về cái kết rồi mới thực hiện. Đây là cách làm cực kỳ khôn ngoan để tăng rating.
Điều đó phần nào cho thấy quan điểm "thực dụng", thực tế của người Hàn khi làm điện ảnh. Điện ảnh của họ trước tiên là phải vì khán giả, "không vì khán giả trời tru đất diệt". Chứ không như phim Việt Nam, dù càng ngày càng có xu hướng đuổi theo lợi nhuận, nhưng không có ý thức, hoặc không có cách nào để nắm bắt nhu cầu khán giả.
Nên với một bộ phim như Hậu duệ mặt trời, dù biết là giả khán giả vẫn thích. Dù biết là còn vô số những tình tiết lỏng lẻo, vô lý, nhưng vẫn là một thứ "công nghệ" mà phim Việt còn lâu mới với tới.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền hiện trong biên chế của Điện ảnh Quân đội cho biết "Hậu duệ mặt trời" là một chủ đề rất "hot" trong đơn vị của chị. "Chỉ riêng cảnh anh đại úy điều được trực thăng tới mái nhà nơi anh đang hẹn hò với bạn gái, để đón anh ấy đi làm nhiệm vụ là tôi đã "nể" quá rồi. Ở mình đến cấp tướng, điều trực thăng cũng còn khó khăn. Người Hàn được phép sáng tạo rất nhiều với nhân vật của họ, chứ ở Việt Nam việc xây dựng hình tượng anh bộ đội vẫn phải tuân thủ theo những quy tắc rất quân đội. Về nguyên tắc, khi bộ đội đi ngủ họ sẽ có đồng phục áo ngủ riêng màu xanh, nhưng trên thực tế khi trời nóng nhiều người vẫn cởi trần. Nhưng một khi cảnh này lên phim, chắc chắn bộ đội sẽ phải mặc áo ngủ", Đặng Thái Huyền nói. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất