19/09/2016 16:59 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi nhận được thông tin một công dân người Đức sống ở Quận 2 nhiễm vi rút Zika khi đi du lịch ở Nhật Bản, ngành y tế thành phố đã nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại những nơi liên quan đến bệnh nhân này; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh do vi rút Zika trên toàn thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh này, ngành y tế đã thống nhất chiến lược phòng, chống bệnh do vi rút Zika tại thành phố qua các biện pháp giám sát về ca bệnh, vi rút, tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, hội chứng Guillane Barré; tăng cường truyền thông phòng bệnh, đặc biệt là truyền thông cho thai phụ; kiểm soát trung gian truyền bệnh thông qua việc lồng ghép với hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Từ nay đến cuối năm, ngành y tế thành phố sẽ tập trung triển khai giám sát ca bệnh theo hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm và đẩy mạnh giám sát vi rút tại 30 bệnh viện của thành phố.
Như vậy, sau ca nhiễm Zika là một thai phụ được phát hiện đầu tháng 4/2016 thì đây là trường hợp bệnh do vi rút Zika thứ 2 của Thành phố Hồ Chí Minh và cũng ở Quận 2.
Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tiếp tục gia tăng ở Thành phố Hồ Chí Minh trong những tuần gần đây. Chỉ từ 9-15/9, ngành y tế thành phố đã ghi nhận 563 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 24% so với trung bình của 4 tuần trước. Nếu tính từ đầu năm đến nay, cả thành phố đã có 11.860 ca sốt xuất huyết, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan, cần quan tâm đến sức khỏe của cá nhân mình và của cộng đồng bằng các hoạt động: tìm và diệt lăng quăng, muỗi hàng tuần tại nơi sinh sống và nơi làm việc; chủ động phòng ngừa muỗi đốt, đặc biệt đối với thai phụ.
Đối với người trở về từ vùng dịch, ngành y tế cũng khuyến cáo cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe; không để bị muỗi đốt trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày theo khuyến cáo của y tế và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
TTXVN/H.Chung
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất