The Face và Vietnam’s Next Top Model: Mèo nào cắn mỉu nào?

26/08/2016 06:56 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Cuộc thi The Face vừa mới trình làng mùa đầu tiên và đang thu hút sự theo dõi, bàn tán của đông đảo khán giả; còn cuộc thi Vietnam’s Next Top Model thì đã có thâm niên 7 mùa và có biểu hiện giảm sút độ hot từ vài mùa trước. Hai cuộc thi này, “sản phẩm” của cuộc thi nào thực sự giá trị?

Chỉ còn 2 tập nữa, The Face sẽ đến chung kết để chọn ra quán quân đầu tiên. Vietnam’s Next Top Model mới đi được hơn 1/3 chặng đường. Nhìn vào những gì đang diễn ra trong 2 cuộc thi, không khó để đánh giá tương quan lực lượng.

Cân đo thử thách

Cả 2 cuộc thi đều có mục đích tìm, đào tạo để có những người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng nếu Vietnam’s Next Top Model tìm người mẫu nói chung, có đủ kỹ năng từ trình diễn catwalk, làm mẫu ảnh đến mẫu quảng cáo thìThe Face chỉ chú trọng mục đích tìm người mẫu quảng cáo. Ngay cái tên được Việt hóa đã thể hiện điều này: Gương mặt thương hiệu.

Mặc dù vậy, 2 cuộc thi vẫn có những nội dung - thử thách trùng với nhau. Chẳng hạn những bài học về catwalk, về biểu cảm gương mặt khi chụp ảnh, tạo dáng chụp hình trong tình thế treo thân trên cao, quay phim quảng cáo (TVC)…


“Vietnam’s Next Top Model” vẫn nổi tiếng với những thử thách nhiều khi bị gọi là “leo cột mỡ” khiến thí sinh sợ hãi đến mức ngất xỉu

Sau mỗi thách thức, nếu như thí sinh Vietnam’s Next Top Model trông chờ hoàn toàn vào sự đánh giá của dàn giám khảo cố định dựa trên nỗ lực của bản thân thí sinh thể hiện qua quá trình tập luyện, thi thố thì sự đi ở của thí sinh The Face lúc thì tùy vào huấn luyện viên trực tiếp thị phạm đánh giá, lúc lại căn cứ vào đánh giá của một ban giám khảo gồm những khách mời (thay đổi tuỳ vào từng thử thách). Đâu đâu cũng ẩn chứa những hồi hộp.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, những thử thách mà Vietnam’s Next Top Modelđưa ra có một khung chuẩn và kết quả sự rèn luyện của các thí sinh được đánh giá từ những chuyên gia đang làm việc thật sự trong thế giới của thời trang.

Đó là những người mẫu chuyên nghiệp đã đạt nhiều thành tựu trong nghề, là những giám đốc sáng tạo chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp thời trang, là những nhà nhiếp ảnh vẫn đang sống bằng nghề nghiệp chụp ảnh thời trang.

Còn The Face, những thử thách đưa ra cũng từ format mà Naomi Campbell cùng các cộng sự đã sáng tạo căn cứ trên thực tế đòi hỏi của nghề người mẫu quảng cáo. Tuy nhiên, việc huấn luyện và đánh giá kết quả lại nằm trong tay những huấn luyện viên - giám khảo mà độ dày dạn trong nghề còn có nhiều bàn cãi.

Cân đo độ hút của giám khảo

Phải khẳng định ngay rằng, sở dĩ The Face vừa ra mắt đã thu hút khán giả xem truyền hình, nhưng lý do không nằm ở format hay những thử thách mà nằm ở dàn huấn luyện viên. Những tên tuổi đình đám như Hồ Ngọc Hà và tươi mới như Phạm Hương, Lan Khuê chính là thỏi nam châm của cuộc thi này.

Theo dõi cả 10 tập The Face đã phát sóng, dễ thấy người thật sự có kinh nghiệm trong nghề người mẫu lẫn kinh nghiệm làm đại diện thương hiệu chỉ có duy nhất Hồ Ngọc Hà. Phạm Hương và Lan Khuê trong nghề người mẫu chỉ mới chập chững và chưa có thành tựu ngoài một vài danh hiệu ở những cuộc thi mà trình độ nghề nghiệp không phải là yếu tố then chốt. Điều này thể hiện rất rõ trong việc họ huấn luyện thí sinh.

Còn ở Vietnam’s Next Top Model, dàn giám khảo năm nay là Hà Đỗ - một cái tên có trọng lượng trong thế giới thời trang, là Lý Quí Khánh - nhà thiết kế vẫn gắn tên với những bộ cánh dành cho các ngôi sao Việt và Samuel Hoàng, một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm chụp ảnh thời trang.

Chỉ có điều, họ chỉ nổi tiếng trong ngành nghề khá hẹp của họ chứ không phải là những cái tên có thể thu hút đám đông. Nếu có nhân tố thu hút đám đông, thì Vietnam’s Next Top Model chỉ có Thanh Hằng - host, người dẫn dắt chương trình. Nhưng Thanh Hằng đã không còn là yếu tố mới mẻ nữa.

Và cân đo “sản phẩm”

Thí sinh của cả 2 cuộc thi hầu hết đều được lựa chọn với tiêu chí khởi đầu “zero”, tuy nhiên vẫn có những thí sinh đã từng trải qua công việc người mẫu hoặc từng là thí sinh của vài cuộc thi khác.

Trong ngôi nhà chung, thí sinh của cả 2 đội đều phải trải qua cuộc sống chung đụng, phải bộc lộ tính cách cũng như việc đối nhân xử thế. Tuy nhiên, nếu The Face chỉ lướt qua không khí của nhà chung ở những tập đầu thì Vietnam’s Next Top Model khai thác khá cặn kẽ mâu thuẫn của các thành viên trong ngôi nhà trong suốt tất cả các tập.

Vietnam’s Next Top Model năm nay không duy trì luật chơi mỗi tập loại một thí sinh mà có thể loại một lúc vài ba thí sinh, tùy vào biểu hiện của họ qua đánh giá của giám khảo và host. Tuy nhiên dễ thấy, những người đã bị loại đều không oan ức, bởi phần thể hiện của họ (cả khả năng lẫn tinh thần, thái độ) đều thể hiện rất rõ trong quá trình thi.

Còn ở The Face, việc loại thí sinh hoàn toàn là một cuộc chơi đầy cảm tính và cũng nhiều toan tính. Với luật chơi đội nào thắng thì huấn luyện viên đội đó có quyền loại thí sinh của 2 đội còn lại, các huấn luyện viên thường nhăm nhe loại đi những thí sinh mạnh để “diệt trừ hậu họa” cho thí sinh của mình. Vì thế, nhiều thí sinh tốt đã bị loại rất sớm (như Lilly Nguyễn, Mai Ngô) trong khi vài thí sinh dở tệ (như Chúng Huyền Thanh) thì ở lại rất sâu.

Dù vậy, muốn biết mèo nào cắn mỉu nào, phải quan sát con đường của những thí sinh sau khi ra khỏi 2 cuộc thi này. Vietnam’s Next Top Model đã chứng minh được “sản phẩm” của họ hữu ích cho ngành thời trang Việt Nam từ những mùa đầu tiên đến nay. Còn The Face, mọi việc vẫn đang còn ở phía trước.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm