Thư châu Âu: Con tôi lại ứng cử lớp trưởng

28/09/2015 12:30 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị, thêm một năm học nữa, con tôi hăng hái ứng cử lớp trưởng. Đầu năm học nào cũng thế, con bé háo hức đăng ký với giáo viên chủ nhiệm để được đưa vào danh sách tranh cử “cán bộ lớp”. Luôn có từ 5 đến 6 ứng cử viên, đứa nào cũng đầy nhiệt huyết cho một thứ công việc khá vất vả, vốn mang tính phục vụ các bạn hơn là thể hiện sự ra “oai” của quyền lực. 

Làm lớp trưởng ở đây là làm gì? Nhiều việc lặt vặt lắm, từ việc ở lại lớp sau giờ học xem các bạn có quên cái gì, có xả rác ra lớp không, thỉnh thoảng cầm các tờ bài tập cô giao đi photocopy rồi phát cho các bạn, thu thập ý kiến của các bạn về trường, lớp, sau đó thay mặt chúng phản ánh lại trong các cuộc họp của các lớp trưởng với thày hiệu trưởng.

Mà cũng kỳ lạ, con bé nhà tôi ra “tranh cử” từ khi học lớp 3 đến giờ, chưa năm nào trúng lớp trưởng, đạt đến mức cao nhất là lớp phó, thế mà cứ vào năm học mới cũng muốn tham gia ứng cử. Điều gì đã khiến một đứa trẻ khao khát được bầu làm lớp trưởng đến thế? Nó bảo, “con muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho mọi người, bằng sức lực và tinh thần của con. Con muốn các bạn yêu trường, yêu lớp, yêu các thầy cô giáo. Con muốn làm cho lớp sạch hơn, đẹp hơn và các bạn quý mến nhau hơn”.


Nhưng cụ thể là nó sẽ làm gì? “Con thấy trong lớp có một cái mắc áo rất đẹp, nhưng bỏ không”, nó nói. “Con có sáng kiến là sẽ dùng cái mắc ấy vừa để trang trí, vừa để các bạn mắc áo”. Còn gì nữa? Con bé năm nay lên lớp 7 ra chiều đăm chiêu suy nghĩ một lúc, rồi nói một loạt “dự án” nhằm giúp các bạn ham đọc và chăm chú tìm hiểu, hứng thú hơn với các bài học trên lớp. Nó nhấn mạnh đến sự vui vẻ, hòa nhã và thiện chí của tất cả các bạn.

Nó đã viết tất cả những điều ấy vào một tờ giấy và sẽ đọc trước lớp. Nó phải thuyết phục được bọn trẻ bỏ phiếu cho nó. Chỉ có điều, phòng riêng bừa bộn quá, nó đã để tờ giấy ở đâu không biết, và dành cả buổi chiều cuối tuần để bận rộn viết lại, và rồi cứ lẩm nhẩm tập nói trước... không khí, tưởng tượng rằng trước mặt mình là các bạn trong lớp. Con bé có vẻ hồi hộp. Nó sợ sẽ không thể nói mạch lạc và không thuyết phục được các bạn, dù luôn khẳng định ý tưởng của mình là “tuyệt vời”.

Có những chuyện khách quan khiến nó cảm thấy phấn khích (“bạn Cheryl lớp trưởng năm ngoái không muốn ứng cử tiếp nữa, vì mệt mỏi quá, và năm nay có thể sẽ bỏ phiếu cho con”). Có những điều khác khiến nó phải suy nghĩ và lo ngại thất cử (“bạn Goffredo chẳng làm gì cả, nhưng biết đâu lại có nhiều bạn bỏ phiếu cho bạn ấy”).

Những câu chuyện về lớp con gái tôi bầu lớp trưởng thực ra không có gì mới, vì cách tổ chức lúc nào cũng thế. Giáo viên chủ nhiệm không can thiệp vào việc bỏ phiếu của lũ trẻ. Đơn giản cô chỉ là một người tổ chức.

Những ứng viên cho vị trí lớp trưởng làm một bản cương lĩnh tranh cử rồi dán lên tấm bảng trước lớp (những tấm cương lĩnh nhìn như một cái áp phích được các ứng viên vẽ thay vì in, với những câu đại loại như, “nếu các bạn bầu tớ làm lớp trưởng, tớ sẽ...”, sau đó được trang trí bằng những hình vẽ rất vui nhộn). Chỉ có sự nhận thức của con gái và các bạn ra tranh cử với vấn đề lớp trưởng là có thay đổi, bởi chúng đang lớn lên và cảm nhận cũng lớn hơn, liên quan đến vai trò và trách nhiệm của chúng với cộng đồng. Trước kia, chúng chỉ nghĩ một cách đơn giản, làm lớp trưởng là làm tất cả những điều tốt đẹp nhất cho các bạn.

Nhưng khi lớn lên rồi, chúng bắt đầu hiểu một cách cụ thể và có phương hướng về những gì chúng phải làm, dựa trên hoàn cảnh chung của lớp và những gì chúng có thể làm được. Qua năm tháng, chúng đã trở nên thực tế hơn.

Tôi không biết lần này con tôi có thỏa mong ước của nó là trở thành lớp trưởng hay không, nhưng không can thiệp vào bất cứ điều gì con bé suy nghĩ và lựa chọn. Tôi muốn để cho mọi chuyện tự nhiên đến, muốn cho con bé cứ đi theo con đường mà nó chọn, cảm nhận những gì nó đã và sẽ trải qua trong hành trình muốn làm điều tốt cho các bạn, dù với bất cứ cương vị nào, lớp trưởng hay không.

Cứ ngẫm cái việc những đứa trẻ như thế được trường học khuyến khích tham gia vào một cơ chế dân chủ rất cơ bản ấy cùng với cách giáo dục chúng ở gia đình và ngoài xã hội, là hiểu được tại sao ở đây, bọn trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã tự lập và rất ít khi ngại ngùng nói lên chính kiến của chúng.

Chúng được như thế bởi người lớn luôn tạo điều kiện cho chúng thể hiện cái tôi cá tính, phát huy sự khác biệt và bằng những hình thức như tổ chức bầu cử lớp trưởng chứ không chỉ định theo kiểu cô giáo chọn một bạn nào đó vì ngoan và học giỏi, người ta đã tạo cho chúng tư duy dân chủ và từ đó giúp chúng xác định trách nhiệm cũng như ý thức về vai trò của mình với cộng đồng mà không hề can thiệp vào quá trình nhận thức đó.   

Vậy nếu con tôi một lần nữa lại trượt thì sao? “Nếu con không được bầu làm lớp trưởng, con vẫn sẽ là lớp trưởng trong trái tim con”, nó kết luận. Ý nó là, kể cả khi không trúng cử, nó vẫn sẽ có trách nhiệm với tất cả: làm những điều tốt đẹp nhất cho mọi người.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong những thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm