Thư châu Âu: Cà phê về cái chết

17/12/2015 06:53 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị,

Chúng ta có thể và đôi khi cần cười nhạo cái chết (ngoài việc khóc vì nó). Nhưng nói chuyện về cái chết để cho thanh thản cũng là một điều cần làm. Chẳng phải cái chết là một phần của cuộc sống đó sao?

Về điều này thì một bà cụ ở Bologna, miền Bắc Italy, hiểu rất rõ. Một người cháu của bà đã qua đời sau khi ngã xuống từ một cửa sổ. Nỗi đau ấy xâm chiếm lấy bà và càng trở nên nặng nề hơn do thái độ của những người bạn và hàng xóm của bà sau đám tang. Không ai dám nói chuyện với bà nữa, vì sợ đụng chạm đến nỗi đau. Có người nhìn thấy bà đã dường như muốn tránh mặt.

Người khác lại im lặng không dám bắt chuyện khi thấy bà trong thang máy. Bà viết một lá thư lên báo về việc này. Có một nhà tâm lý đã trả lời. Theo bác sĩ, giảng viên tâm lý Francesco Campione, “chúng ta thường không biết cách làm thế nào để đối diện với cái chết sau khi người thân thiết hoặc những người ta mới quen qua đời”.

Từ suy nghĩ ấy, Campione đã lập ra một quán cà phê độc nhất vô nhị ở Italy, “Cà phê về cái chết” (Death Cafe), một mô hình đang gây được sự chú ý ở Thụy Sĩ và các nước Anglo-Saxon.

Đấy là một quán cà phê không khác nhiều so với các quán bình thường, nhưng ở đây, chủ đề trong các cuộc đàm thoại giữa những người ngồi quanh tách trà hoặc ly cappuccino là cái chết, nỗi đau, những nỗi sợ hãi, những cơn ác mộng, những kỷ niệm về người quá cố, nhưng cũng không thiếu những câu chuyện cười. Trong quán cà phê về cái chết ở Bologna, mới mở cách đây chưa lâu, người ta cũng có thể giúp những ai vừa có người thân qua đời một việc nữa: tư vấn tâm lý để họ thanh thản hơn, sống tốt hơn và không sụp đổ.

Những câu chuyện bên bàn nước không hẳn chỉ đến từ những người mất người thân mà còn tới từ những ai muốn tâm sự về cái chết. Campione là người sẽ nói chuyện với khách. Kênh RAI của Italy có quay một buổi nói chuyện như thế.

Một người phụ nữ nói: “Đối với tôi, cái chết là một chặng đời, nhưng là điều lẽ ra không nên có. Tôi đang nghĩ đến con gái tôi. Suy nghĩ rằng, nếu một ngày nó không còn tôi làm tôi rất đau đớn”. Một người khác lên tiếng: “Tôi có một đứa con nuôi. Một ngày, bỗng nhiên tôi hỏi nó: “Nếu cả bố và mẹ đều chết, con có sợ không?”. Nó trả lời: “Có, con sợ phải ở lại một mình”. Nhưng tôi hiểu là cái chết không có gì quá đáng sợ. Nó chỉ là một phần của cuộc sống mà thôi”.

Những cuộc trò chuyện như thế ở “Cà phê về cái chết” nói riêng và trong cuộc sống ở châu Âu nói chung đang trở thành một nhu cầu. Châu Âu đã xa chiến tranh suốt 70 năm qua, nhưng ngày càng bị dày vò trong những áp lực của cuộc sống, những cuộc khủng hoảng kinh tế, và bây giờ, nỗi lo lắng cho một cuộc sống bị đe dọa bởi khủng bố.

Những tin tức hàng ngày về chiến tranh và xung đột, những hình ảnh nhức nhối trên truyền hình về khủng bố ở khắp nơi, những mối đe dọa về môi sinh và các tin đồn đủ loại về ngày tận thế, và nỗi lo ngại cho người thân quanh ta trong một cuộc sống ngày càng trở nên bất trắc, khiến người ta sợ hãi hơn, nhưng đi kèm với nỗi sợ đó, là nỗi sợ chết, sợ đến mức ám ảnh.

Đến quán của Campione là một cách để giúp người ta nghĩ về cái chết một cách tích cực hơn, không phải là sự kết thúc của một cuộc đời, các mối quan hệ, mà ngược lại, làm thế nào để cái chết của mình không tạo gánh nặng cho những người còn sống.

“Cà phê về cái chết” đã tạo một hiệu ứng lớn. Campione đang nghĩ đến việc mở rộng mô hình ra những nơi khác nữa. Số hội viên của quán tăng chóng mặt và ông vừa chia số hội viên hiện có thành hai nhóm. Một nhóm sẽ thảo luận với nhau các vấn đề liên quan đến cái chết, chẳng hạn “sẽ nói như thế nào với bọn trẻ, nếu ta bị ung thư và không thể sống lâu được nữa”.

Nhóm còn lại sẽ tập trung vào các “chủ đề nóng”, như các hậu quả tâm lý từ vụ tấn công khủng bố ở Paris với trẻ em như thế nào... Họ cùng hướng tới việc làm thế nào để bản thân đối mặt với nỗi sợ hãi phải vĩnh biệt tất cả, nhưng nói về cái chết không phải để trở nên bi quan, đau đớn, mà là để mình sống tốt hơn, và giúp người khác sống tốt hơn.

Bạn có thể bảo, nói về cái chết, thậm chí là cái chết của chính ta, khi ta còn đang sống, có thể đem lại điềm gở. Tùy thuộc vào văn hóa, tôn giáo và lối sống mà người ta có những cách quan niệm khác nhau về cái chết, nhưng tôi thích quan niệm ở bên này về cái chết.

Người viết bài này là một người chưa bao giờ ngại nói đến điều này. Tôi thích một cái chết nhẹ nhàng, và trong đám tang của mình, tôi không muốn ai đó khóc. Đám tang cần giống như là sự tưởng nhớ một người đã sống có ích và không có gì tiếc nuối khi từ biệt cõi đời. Và hãy vui, vì tôi đã có ích cho đời. Bản thân suy nghĩ ấy cũng là một sự thúc đẩy sống tốt cho hiện tại và tương lai.

Dù thế nào đi nữa, ai đó đã chết đi, nhưng sự biến mất của họ trong cuộc sống của nhiều người có thể để lại những cú sốc, những vết sẹo khó lành. Nếu ai đó thắc mắc rằng, tại sao cứ phải nói về cái chết, những lời nói sau đây của Bernard Crettaz, nhà xã hội học người Thụy Sĩ, cha đẻ của ý tưởng “Cà phê về cái chết” có thể có ích: “Bởi nói về cái chết là cách duy nhất để người sống không mãi chìm trong nỗi đau”.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm