Man City, Barca và 'Thành phố toàn cầu'

18/02/2014 21:56 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Mới đây, Jose Mourinho chỉ trích Manchester City là đội bóng chỉ biết ăn xổi, nhưng “Người đặc biệt” sẽ phải suy nghĩ lại khi nhìn vào chiến lược của những tỷ phú dầu mỏ.

“Thành phố toàn cầu” (Global City) là một khái niệm không còn mới, và đã được thế giới thừa nhận. Khái niệm trên được đưa ra để nói về những thành phố có ảnh hưởng trực tiếp (và hữu hình) đến nền kinh tế toàn cầu, thông qua các kênh kinh tế xã hội, văn hóa, chính trị.

Manchester là một trong những “Thành phố toàn cầu”, thuộc cấp độ Beta (đánh giá theo thứ tự Alpha & Beta; trong đó, Beta ở mức tác động vừa phải đến kinh tế thế giới).

Không phải ngẫu nhiên mà “nửa xanh” của thành Manchester, dưới sự đầu tư của những tỷ phú dầu mỏ châu Á, hiện đang được ví von là một “Global City” (một cách chơi chữ theo City). Một mặt, Man City gây chú ý khi mua về hàng loạt ngôi sao mỗi năm. Mặt khác, dự án thể thao lớn đang được thực hiện từ cách nay vài năm.

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 12/2011, khi Ferran Soriano, người giữ hai cương vị phó chủ tịch phụ trách tài chính và TGĐ của Barca giai đoạn 2003-2008, nhận được cuộc gọi đường dài từ Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan, ông chủ Quỹ đầu tư Abu Dhabi và là người sở hữu Man City.

Soriano bay sang Abu Dhabi, và người trực tiếp đón tiếp ông là Khaldoon Al Mubarak, chủ tịch Man City. “Họ không mua CLB vì sở thích nhất thời. Đó là một điều nghiêm túc. Một ý tưởng quản lý thể thao và kinh tế”, Soriano chia sẻ về cuộc gặp.

Cuộc đàm phán không được như những ông chủ Ả rập mong đợi, vì Soriano từ chối. Công việc thời điểm ấy, cùng với những vấn đề cá nhân ở xứ Catalunya khiến Soriano không thể nhận lời. Từ Abu Dhabi, rất nhiều cuộc gọi được thực hiện, với hy vọng thuyết phục Soriano. Những năm tháng làm việc ở sân Camp Nou là yếu tố giúp Soriano được tin tưởng: trong nhiệm kỳ quản lý kinh tế, ông giúp Barca từ chỗ doanh thu 123 triệu euro lên mức 308 triệu euro; đưa đội bóng từ khoản lỗ 73 triệu euro đạt lợi nhuận 88 triệu euro. Những tỷ phú dầu mỏ muốn xây dựng mô hình gần giống với Barca, một trong những CLB có thành công lớn nhất về kinh tế thể thao một thập niên trở lại đây.

“Bây giờ tôi không thể, hãy cho tôi 6 tháng để trả lời”, Soriano bắt đầu dao động. Một thời gian sau, các Hoàng thân UAE nhận được cái gật đầu từ Soriano. Ông chấp nhận bước vào cuộc phiêu lưu sai khi giải quyết toàn bộ các vấn đề cá nhân, trong đó có cả đám tang cha.

Gần nửa năm làm việc, Soriano dần tạo sự ổn định cho guồng quay khổng lồ, và ông cần cộng sự. “Anh có muốn đi cùng tôi không?”, Soriano gọi cho Txiki Begiristain, người bạn mà ông tin tưởng nhất. Trong nhiệm kỳ chủ tịch của Joan Laporta mà Soriano làm phó, Txiki, một cựu cầu thủ Barca, là người ngồi ghế GĐTT.

Bây giờ, khi Man City đang là một thế lực đáng gờm trên sân cỏ châu Âu, Soriano đứng dầu một dự án rất khó để tưởng tượng hết sự khổng lồ của nó. Một dự án kinh tế thể thao bao trùm từ Australia sang Mỹ, từ Đông Nam Á đến Nam Mỹ. Đó là một bộ máy tổ chức khổng lồ, được ví là “Global City”.

Sau 3 năm liên tục thua lỗ - lên đến 100 triệu euro - Man City đang cân bằng tài chính rất tốt. CLB tạo sự tăng trưởng ngoạn mục cho khu vực phía tây thành Manchester, nơi bị hóa chất độc hại tàn phá từ những năm 1970.

Với tiền đầu tư từ Abu Dhabi, CEO Soriano mua lại một loạt CLB trên thế giới để tạo mạng lưới cho Man City (nổi bật là New York City của Mỹ, Melbourne Hearts của Australia). Nhưng quan trọng hơn, ông thai nghén một chiến lược phát triển cho tương lai: The Academy (học viện). Dự án này tạo 155 việc làm tạm thời và 93 công việc cố định cho người dân, kết nối với 30 công ty trong thành phố.

The Academy được dây dựng trên diện tích đất 80ha, dành cho khoảng 400 cầu thủ trẻ. Trong đó có một trung tâm y tế, trường học, 16 sân bóng đá (12 sân dành cho lứa cầu thủ từ 8-21 tuổi), một SVĐ mini có sức chứa 7.000 khán giả. Khu vực chung có spa, hồ bơi, phòng thay đồ, khu ăn uống. 450 nhân viên CLB ở khu văn phòng có diện tích 5,5ha.

Đáng chú ý, chất lượng khu vực dành riêng cho đào tạo tài năng trẻ được sánh ngang chất lượng “Thánh địa” Wembley hiện nay. The Academy được xem là mang tính lịch sử cho CLB lẫn thành Manchester. Có nhiềm điểm được lấy ý tưởng từ La Masia, nhưng Soriano nhấn mạnh, “chúng tôi không sao chép Barcelona”.

Quả thực, The Academy đang là một dự án toàn cầu cạnh tranh trực tiếp và có nhiều ý tượng vượt xa cả La Masia. The Academy sẽ giống như những giai điệu trong các tác phẩm của Oasis hay The Smiths - hai nhóm nhạc nổi tiếng của Manchester - mang màu xanh đi khắp toàn cầu.

Ngọc Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm