Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 2): Những biểu tượng gắn trên bộ giáp phục thủ lĩnh

06/02/2025 07:34 GMT+7 | Văn hoá

Một vụ lở đất tại một ngòi nước đổ từ vùng núi Lào Cai - Yên Bái vào sông Hồng vào khoảng mùa lũ năm 2008 đã làm xuất lộ ngôi mộ của một vị thủ lĩnh lớn Đông Sơn - Tây Âu. Người dân phát hiện còn nhớ có đến hàng chục đồ đồng lớn như trống, thạp và nhiều vũ khí giáo, rìu…  

1. Đặc biệt, thi hài mộ chủ ở đây rất cao lớn với một vật như "mũ trụ" chụp trên hộp sọ và toàn thân phía trên được che phủ bởi những phiến đồng ghép thành một bộ giáp trụ. Nhờ gỉ đồng, xương cốt còn lại bên dưới khá nguyên vẹn. Một người dân rút ướm thử đoạn xương đùi của bộ xương với đùi của anh ta, một người cao tầm 180cm, vẫn thấy thừa ra khỏi gối gần 10cm nữa.

Tôi đã được nghiên cứu trực tiếp bộ xương người cao khoảng 190cm khai quật trong hang núi lửa ở Đắc Nông, Tây Nguyên. Đoạn xương đùi dài tới 52cm, cao hơn những bộ xương tôi đang lưu giữ ở Bạch Đằng, Nà Lồi, Động Xá khoảng 10-15cm. Đo ướm ngay tại hiện trường, những người dân phát hiện mộ ước đoán người chết cao khoảng 2m!?.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 2): Những biểu tượng gắn trên bộ giáp phục thủ lĩnh - Ảnh 1.

16 phiến giáp được tác giả phục dựng lại vị trí sau khi nghiên cứu

Ngôi mộ được chôn theo một trống đồng rất đẹp, xứng đáng vượt qua nhiều trống bảo vật quốc gia hiện nay. Tôi sẽ chờ có dịp để mô tả với bạn đọc chiếc trống đồng quý giá này.

Năm 2016, tôi có dịp cùng các nhà khảo cổ Trung Quốc đến tận nơi thăm hai ngôi mộ lớn được cho là mộ của vợ chồng vua Câu Đinh ở châu Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc) - một trong những nhân vật huyền thoại gắn với những cuộc tranh chấp liên quan đến Thục Phán An Dương Vương, vua Âu Lạc khi đó. Mức độ giàu có gắn với những biểu trưng quyền lực của các thủ lĩnh Bách Việt thời kỳ tiền nhà nước của hai ngôi mộ này khiến tôi liên tưởng đến những thủ lĩnh Tây Âu vô danh nhưng giàu có và đầy quyền lực không kém trong các ngôi mộ lở kể trên. Tôi hứa sẽ dành nhiều lời hơn về các ngôi mộ như vậy trong một buổi "rì rầm" khác. Hôm nay, tôi chỉ tập trung vào chuyên đề về những bộ áo giáp thủ lĩnh Đông Sơn - Tây Âu mà thôi.

Hiện tại, tôi mới chỉ có điều kiện tiếp xúc với tư liệu ảnh chiếc trống đồng trong mộ mà chưa tiếp xúc được với bộ áo giáp của mộ chủ.

2. Nhưng cơ may đã đến với tôi, khoảng cuối năm 2001, khi người dân hút cát sông Lô ở xã Thái Long, huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang thông báo về một sưu tập các mảnh giáp Đông Sơn xuất lộ trong các gầu múc và lồng lọc cát của họ. Một nhà sưu tầm ở Hà Nội đã kiên trì bám hiện trường để thu gom lại cho nền di sản Đông Sơn của chúng ta gần đủ sưu tập mảnh giáp ở đó. Tôi đã may mắn được tin tưởng giao bộ sưu tập 16 phiến giáp để làm vệ sinh, nghiên cứu, công bố báu vật này.

Bài viết hôm nay, chưa phải là một công bố khoa học đầy đủ, mà chỉ là một thông báo nhân bàn về văn hóa Đông Sơn trên báo Thể thao Văn hoá.

Nhìn vào hình ảnh đầu tiên, bạn đọc có thể nhận ra vị trí phục dựng của tôi sau khi nghiên cứu các phiến giáp đó: Vòng đai bảo vệ cổ là hai nửa giáp uốn cong, bốn miếng hình chữ nhật kích thước lớn hơn để bảo vệ vai và cánh tay, còn lại 10 miếng nhỏ còn lại che trước ngực (bốn tấm) và bụng (hai hàng, mỗi hàng 3 tấm). Các phiến giáp đều có hình chữ nhật, thuộc hai nhóm kích thước khác nhau, rộng khoảng 8-9cm, dài 12-15cm và dày chỉ 1,2-1,5mm. Trên mỗi phiến giáp có 4 hoặc 6 lỗ dùng để buộc dây liên kết với nhau. Vòng quanh cổ là hai đai giáp đồng uốn cong đủ che cổ chiến binh cả trước lẫn sau.

Trừ ba phiến giáp để trơn thì trên 13 phiến đồng còn lại đều được trang trí bằng những hình đúc chìm rất đẹp. Hai miếng cong đai cổ chỉ có các viền trang trí hình tam giác như răng cưa đối nhau, còn các tấm hình chữ nhật đều có hàng răng cưa phía trên và hình mặt người (4 miếng) hay hình rùa (8 miếng) ở chính giữa. Hình mặt người và hình rùa trên các phiến giáp chính là trọng tâm của buổi "rì rầm" hôm nay.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 2): Những biểu tượng gắn trên bộ giáp phục thủ lĩnh - Ảnh 2.

Hình chính giữa là nguyên trạng một mảnh giáp đồng có 6 lỗ buộc, hai băng răng cưa trang trí phía trên và chân dung vị thần mặt người ở chính giữa. Hình bên trái và bên phải là hình đặc tả chân dung vị thần khi chưa được tẩy gỉ hoàn hảo

3. Trước hết, tôi giới thiệu về hình mặt người mà theo tôi là chân dung vị thần chiến tranh cũng như thần hộ mệnh cho mọi chiến binh. Chân dung vị thần này xuất hiện không chỉ trên các phiến giáp mà xuất hiện trên những vũ khí như giáo, dao găm các loại của chiến binh Tây Âu mà tôi sẽ tách ra thành nhiều chuyên mục trong chuỗi "rì rầm" cuối cùng này.

Hình dưới đây đặc tả chân dung vị thần trên hai phiến giáp đồng mà tôi đã có thể làm vệ sinh rõ nét nhất. Tổng số đang có 4 mảnh giáp có mặt người (hai mảnh lớn trên vai và hai mảnh trước ngực). Số còn lại là hình thần rùa.

Đây là chân dung người khắc trên đồng rõ nhất hiện biết trong nghệ thuật Đông Sơn đúc khắc 2D. Chân dung thể hiện nét mặt dài, cương nghị, với lông mày dày thẳng tràn qua đỉnh mũi, để từ khoảng giữa tạo trục sống mũi thẳng, được chặn bởi một ngấn ngang làm thành hai cánh mũi. Kỹ thuật tạo hình rất hiện đại mang tính hình học cao. Sự cân đối của khuôn mặt dài, trán rộng, má hóp, với đôi mắt mở to và cặp môi cùng dáng quả trám nằm ngang thể hiện sự trang nghiêm thần thánh. Viền hai bên từ thái dương xuống má, cằm là dải băng như cờ đuôi nheo, tạo bởi các hình răng cưa tam giác liền nhau. Thõng dưới cùng là hai khuyên tai tròn, có nhân hình tròn, có chấm ở giữa như hình mặt trời, có tia tỏa ra như một vành bánh xe có nan hoa.

Đáng nói nhất là hai hình chữ C nằm ngửa trên đầu vị thần, vừa tạo ra đỉnh nhọn giữa trán, vừa tạo hình thành hai cặp sừng xoắn cong - một hình ảnh không thể thiếu được khi thống kê phần đầu của các vị thần liên quan đến vũ khí và hộ mệnh trong thế giới quan của Ba Thục cổ đại và Tây Âu đương đại.

Trong bài viết sau, khi nói về chân dung thần chiến tranh được mô tả khá chi tiết trên phần bản rộng một ngọn giáo vớt được ở vùng sông Lục Đầu - Kinh Thày, ta sẽ thấy hai bên tai là những vòng đeo chồng lên nhau và phía sừng trên đầu biến hóa thành nhà sàn mái cong với chim đậu trên mái nhà như cảnh chính của vành trang trí lễ hội trên trống đồng, thạp đồng.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 2): Những biểu tượng gắn trên bộ giáp phục thủ lĩnh - Ảnh 3.

Những phiến giáp có hình rùa (hình trái) và đặc tả thần rùa trên một phiến giáp (hình phải)

4. Hình ảnh thứ hai thấy trên các phiến giáp trong sưu tập này là hình con rùa nằm rất sinh động trong tư thế co duỗi chân tay rất tự nhiên. Trong nghệ thuật Đông Sơn, hình tượng rùa chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt trên các khóa thắt lưng thủ lĩnh, dưới các thuyền chiến, phía mái chèo, trên các rìu chiến, giáo, dao găm. Và ở đây là hình ảnh linh thú ngự trị trên các phiến giáp trụ quan trọng. Đặc biệt rùa thần đóng vai trò như thần cứu tinh cho An Dương Vương trong chuyện xây thành và phòng thủ ở Cổ Loa.

Với cấu trúc sinh học tự nhiên, mu rùa vừa biểu trưng cho một mái che chắc chắn, vừa như tấm áo giáp, khiên mộc hộ thân cho chiến binh trong các cuộc giao tranh. Rùa hóa thần trở thành biểu tượng cho thần hộ mệnh trong tâm linh Đông Sơn.  

Bộ áo giáp quý giá này đã hé mở cho chúng ta tâm linh Đông Sơn gắn với chiến tranh, sinh tử. Có những vị thần đã ngự trị trong tâm linh Đông Sơn giúp họ ra trận an bình và giành chiến thắng. Trong những bài sau, chúng ta sẽ thấy các biểu tượng tâm linh này trên các vũ khí Đông Sơn góp phần làm rõ hơn nội dung Chiến tranh và Hòa bình trong thời gian tồn tại của văn hóa Đông Sơn.

"Trong nghệ thuật Đông Sơn, hình tượng rùa chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt trên các khóa thắt lưng thủ lĩnh, dưới các thuyền chiến, trên rìu chiến, giáo, dao găm. Và ở đây là hình ảnh linh thú ngự trị trên các phiến giáp trụ quan trọng" - TS Nguyễn Việt.

(Còn nữa)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm