Công bố danh sách các cây viết giàu nhất Trung Quốc: Các nhà văn phục vụ giới trẻ tỏa sáng

26/12/2014 07:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Danh sách 50 nhà văn Trung Quốc giàu nhất năm 2014 vừa được công bố và đứng đầu là Zhang Jiajia (34 tuổi), với thu thập 19,5 triệu NDT (3,14 triệu USD).

Tổng cộng có hơn 50 nhà văn với thu nhập lớn hơn 1 triệu NDT được đưa vào danh sách nó trên do nhà nghiên cứu Wu Huaiyao và các cộng sự lập ra.

Độc giả trẻ mua sách ngày càng nhiều

Các nhà văn có tên trong danh sách được chia thành 3 hạng mục, gồm những người đã thành danh của dòng văn học nghiêm túc, các cây viết của văn học mạng và những người phục vụ đối tượng thiếu nhi.

Trong số này, nhà văn đoạt giải Nobel Mạc Ngôn đứng thứ 13 với thu nhập 6,5 triệu NDT. Các nhà văn nổi tiếng khác như Dư Hoa và Giả Bình Ao lần lượt đứng thứ 33 và 47 trong danh sách, với thu nhập 2,65 triệu NDT và 1,5 triệu NDT. Hai thần tượng hàng đầu của tuổi vị thành niên là Hàn Hàn và Quách Kính Minh đứng thứ 6 và thứ 7 với thu nhập 15 triệu NDT và 13 NDT.

Danh sách được thống kê dựa theo các tiêu chí gồm giá tiền sách, số lượng tác phẩm đã tiêu thụ và phần trăm tiền bản quyền của nhà văn. Nhóm lập danh sách đã mất 7 tháng điều tra trên mạng Internet, các cửa hàng sách, nhà xuất bản và hãng phát hành. Danh sách này, ngoài việc hé lộ khả năng kiếm tiền của các nhà văn, còn được xem là thước đo chuẩn mực cho xu thế đọc và xuất bản ở Trung Quốc.

“Chúng tôi rất hài lòng khi thấy đại đa số người mua sách là độc giả trẻ. Điều này có nghĩa cộng đồng độc giả thuộc về thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ rất lớn” – ông Wu nói.


Zhang Jiajia, nhà văn kiêm biên kịch đã kiếm được nhiều tiền nhất Trung Quốc năm 2014

Sách giải trí lên ngôi

Trong danh sách trên, Zhang Jiajia nổi danh với tuyển tập truyện ngắn được phát hành rộng rãi. Sách của anh được đón nhận nhiều bởi các độc giả trẻ đang chật vật tìm chỗ đứng trong xã hội.

“Các cuốn sách của tôi đã tiêu thụ được 4 triệu bản trong năm 2013-2014. Có tin nói 4 triệu bản sách khác đã được bán ra qua nhiều kênh không chính thức” – Zhang nói. Anh cho rằng độc giả hiện đại không thích những cuốn sách với nội dung “lên lớp” họ. Thay vì thế độc giả thích sách có nội dung giải trí, thư giãn.

Wu đồng tình, nói thêm rằng độc giả Trung Quốc thường tìm kiếm các giá trị xã hội mà họ thấy đồng cảm trong sách, như ý niệm về tình yêu.

Độc giả Trung Quốc cũng thường thể hiện xu hướng lựa chọn sách theo ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh giải trí. Ví dụ các cuốn sách từng được đưa lên giới thiệu trên truyền hình, điện ảnh hoặc trò chơi điện tử đều rất ăn khách. Người Trung Quốc còn thích mua các tác phẩm văn học nước ngoài đã được đưa lên màn bạc, như House of Cards, A Song of Ice and Fire và loạt truyện Harry Potter. Năm nay, nhà văn Khaled Hosseini chiếm vị trí đầu trong danh sách các nhà văn nước ngoài kiếm được nhiều tiền nhất ở Trung Quốc, với thu nhập đạt 7,6 triệu NDT.

Danh sách cho thấy các cây viết có xuất phát điểm từ Internet vẫn tiếp tục tỏa sáng. Cụ thể, nhà văn Tangjia Sanshao đã thu được 50 triệu NDT từ bán bản quyền sách in, chuyển thể điện ảnh, truyện tranh và trò chơi. Năm nay, anh đã xuất bản 14 cuốn sách. Sanshao cho biết anh viết đều đặn khoảng 8.000 chữ mỗi ngày và viết liên tục cho tới khi hoàn thành các cuốn truyện của mình. Trong năm 2014, anh đã xuất bản 14 cuốn sách, có tổng dung lượng 3 triệu chữ. “Bí quyết của tôi là cần phải liên tục viết, viết nhanh” – Sanshao chia sẻ.

Thương mại hóa hoạt động viết sách

Năm nào cũng vậy, danh sách này luôn gây tranh cãi khi gắn chuyện tiền bạc với viết lách. Hầu hết các cây bút trong các danh sách trước đây đều tránh công bố thu nhập của mình. Wu đã khuyến khích họ làm điều ngược lại để công chúng hiểu và quan tâm hơn tới họ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của ông, năm nay các nhà văn đã cung cấp biên lai thu thuế. “Họ không tránh nói về chuyện tiền bạc nữa” – Wu cho biết và nói thêm rằng người ta không nên phán xét giá trị của nhà văn chỉ qua việc nhìn vào thu nhập.

Tuy nhiên các nhà phê bình đánh giá danh sách năm nay cho thấy hoạt động xuất bản ở Trung Quốc có mối quan hệ rất mạnh với các thương vụ đầu tư. Nói một cách khác, tính thương mại trong hoạt động viết sách ở Trung Quốc hiện đang quá lớn.

Có vẻ như xu hướng này sẽ khó giảm xuống trong thời gian tới. Hôm 20/12, công ty phim HS Media tuyên bố sẽ đầu tư 5 tỷ NDT trong 5 năm nữa để đưa truyện của các nhà văn có xuất phát điểm từ Internet lên màn bạc. Trong số đó có các tác phẩm của Tangjia Sanshao.

Wang Chen từ HS Media thậm chí còn cho rằng các bộ phim này có đủ sức hấp dẫn cả khán giả thế giới. “Tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc với xuất phát điểm từ Internet có sức hấp dẫn lớn và chúng tôi chỉ giúp họ tăng cảnh hưởng tới thị trường quốc tế” – Wang nói.


VIỆT LÂM (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm