Giới thiệu bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn

21/11/2020 20:21 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), chiều 21/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức buổi thuyết trình, giới thiệu về một số di sản văn chương thời Nguyễn, đặc biệt là bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.

'Hội họa Truyện Kiều': Thế giới truyện Kiều qua mộng tưởng mỗi người

'Hội họa Truyện Kiều': Thế giới truyện Kiều qua mộng tưởng mỗi người

Ngày 21/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn. Triển lãm do Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền tổ chức, nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du.

Truyện Kiều do danh nhân văn hóa Nguyễn Du sáng tác, được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3.254 câu. Trong lịch sử, Truyện Kiều có nhiều lần được khắc in. Giới nghiên cứu từng biết đến 63 bản Truyện Kiều cổ đã được công bố. Nhiều ý kiến cơ bản thống nhất, bản Truyện Kiều được sao chép, in ấn sớm nhất mà hiện nay còn lưu trữ đó là bản Liễu Văn Đường (năm 1866). Mới đây nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo công bố bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

Bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn với đặc điểm nổi bật đầu tiên là trên bìa có hình rồng dệt, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nền là bát bửu. Tính chất của họa tiết rồng năm móng cho thấy đây là bản của nhà vua “ngự lãm”. Theo nhiều thông tin, cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của Thư viện Anh quốc từ năm 1894. Nhiều khả năng cuốn cổ thư từng bị thất tán sau sự kiện thất thủ Kinh đô Huế năm 1885.

Về hình thức, bản Kiều chép tay này có tên gọi là Kim Vân Kiều tân truyện, gồm 150 mặt giấy dó. Ngoài 4 mặt giấy phụ bìa in hình rồng màu vàng thếp, nền đỏ, sách có 146 mặt giấy dó, tương ứng với 146 trang nội dung. Nội dung từng trang được trình bày rất thống nhất: trích yếu nội dung, số trang, phần thơ chữ Nôm, phần phụ chú bằng chữ Hán. Mỗi trang ngoài phần chữ còn có phần tranh minh họa cho nội dung gồm 146 bức tranh vẽ bằng mực nho cực kỳ chi tiết. So với các bản chép tay Truyện Kiều của Lâm Nọa Phu, Nguyễn Hữu Lập, Trần Bích San, bản chép tay này rất chuẩn mực, chữ viết sắc nét, nghiêm ngắn.

Về nội dung, theo nhận định, bản Kiều này tương đối thống nhất với các bản khắc in dưới thời Tự Đức nhưng điều thú vị là có nhiều chữ trong bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn được sử dụng dưới dạng phương ngữ, dùng lối phát âm theo giọng Huế.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Đáng chú ý nhất là phần chữ đỏ mang tính nhận định nội dung của từng trang trong bản Kiều này. Theo điển lệ, chỉ có vua mới được viết chữ màu đỏ, do vậy mới có hiện tượng gọi là “châu phê” trên văn bản.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

Mỗi trang trong bản Kiều này đều có các dòng “châu phê” như thế. Do vậy, căn cứ vào niên đại và tính chất, có thể khẳng định chính vua Tự Đức là người đã “châu phê” trên các trang của bản Kiều; suy luận này là một nghiên cứu cần được các nhà thư tịch học tiếp tục làm rõ thêm. Nếu đúng vậy, cuốn Truyện Kiều này sẽ nhân lên nhiều giá trị về thư tịch, về văn chương, mỹ thuật, thư pháp; là báu vật văn học gắn liền với tên tuổi của những trí thức tinh hoa dưới thời Nguyễn.

Tường Vi (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm