06/05/2020 15:45 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nếu thuyết minh là lời đọc của một người cho toàn bộ hội thoại trong phim, thì nghề lồng tiếng theo nhận định của NSƯT Hùng Minh chính là “Biết giấu mình đi để nhân vật được sống”.
Ông có trên 60 năm gắn bó với cải lương, sàn diễn, điện ảnh, chuyên lồng tiếng cho nhân vật của chính mình và các vai ác trên màn ảnh. Tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1938 tại huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (bây giờ là tỉnh Tiền Giang), lúc nhỏ, ông theo học trường dòng Saint Joseph Mỹ Tho. Khi cha mất, theo mẹ về Sài Gòn, sinh sống ở quận 4, gần 20 tuổi, ông đã bắt đầu bước chân vào nghề sân khấu, vài năm sau đã nổi danh.
Biết mình, biết người mới thắng
Với bề dày gắn bó với sân khấu cải lương, đoạt HCV triển vọng giải Thanh Tâm năm 1959, NSƯT Hùng Minh được biết đến với nhiều vai diễn để đời và ông chính là nam nghệ sĩ thể hiện những vai kép độc hay nhất, để lại nhiều ấn tượng. Nhưng khi nói về nghề lồng tiếng, ông lại trăn trở: “Bản thân mình đến với nghề này tay ngang, nên phải học hỏi và rèn luyện nhiều. Nghề này biết mình, biết người mới thắng, còn ỷ lại tên tuổi, hào quang thì bước vào phòng thu coi như thua xa những em, cháu còn nhỏ tuổi nhưng chịu khó rèn giũa”.
Ông quan sát nghề này từ công việc làm quen với các nghệ sĩ chuyên đọc thuyết minh phim. Sau khi lời thoại các phim nước ngoài được dịch xong, nhà sản xuất sẽ tiến hành thu âm và ghép lời thuyết minh vào.
Ông nói: “Tôi chơi thân với nghệ sĩ Khải Hoàn, Trọng Hữu của HTV, nên tôi biết họ vất vả lắm. Lời thuyết minh được phát song song hoặc chậm hơn 2-3 giây so với lời thoại của nhân vật. Đồng thời, lời thoại gốc sẽ được xử lý cho nhỏ xuống để lời thuyết minh dễ nghe hơn.
Thế mới khó, vì bên tai người thuyết minh vẫn có cái giọng nhỏ nhỏ của nhân vật thoại trong phim với đủ loại tiếng, nên phải tập trung cao độ lắm mới đọc cho hay, cho có cảm xúc.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng, thuyết minh là việc của một biên tập viên duy nhất đọc lại lời thoại của các nhân vật trong phim. Ngược lại, lồng tiếng lại là quá trình đòi hỏi cả một đội ngũ nhiều diễn viên cùng nói vào phim và diễn đạt thật chân thật, tự nhiên cảm xúc của nhân vật”.
Và cái sự "biết người, biết ta" của ông có quá trình hẳn hoi, sau khi phải tự tìm hiểu, nghiên cứu để học cách lồng tiếng cho mình qua các phim Sơn ca trong nắng, Biệt động Sài Gòn, Âm mưu và tình yêu, Sóng bạc đầu, Tình yêu ở trên cao…
Ông phân tích thêm, trong phim lồng tiếng, lời thoại gốc bị lược bỏ, thay thế hoàn toàn bằng lời thoại đã được dịch. Trong khi đó, ở các bộ phim được thuyết minh, lời thoại gốc của nhân vật vẫn được giữ nguyên. Do đó, lúc lồng tiếng cho diễn viên thuộc thoại rất dễ, còn với diễn viên quên thoại, thường xuyên “để thêm lời” thì coi như phải căng mắt, căng tai để nghe và lồng theo.
“Cực lắm, hình thức thuyết minh phim có ưu điểm là giúp người xem vừa nghe được ngôn ngữ gốc của phim, vừa nghe được cả lời thoại đã dịch. Nhờ đó, khán giả sẽ tập trung vào nội dung hơn, không bị phân tán tâm lý. Còn lồng tiếng phim lại có điểm mạnh là giúp cho bộ phim như được “bản địa hóa” hoàn toàn. Khán giả sẽ cảm thấy bộ phim được lồng tiếng gần gũi, nhân vật nói với đúng tính cách, ngữ điệu. 2 nghề này bổ sung cho nhau và đòi hỏi năng lượng tích cực trong cách vận hành. Vì tâm trạng mình bực tức điều gì đó thì sẽ không thể làm được 2 công việc này, lời thoại sẽ bị khô cứng, miễn cưỡng” - ông nhấn mạnh, để thể hiện rõ ý nghĩa mà ông đúc kết: phải “biết người, biết ta”.
Vốn nghề lúc nào cũng là số 0
Ông cho biết thêm, biên tập viên thực hiện thuyết minh cần phải có khả năng ăn nói trôi chảy, truyền cảm, điều chỉnh tốc độ của lời thoại sao cho thật khớp với lời thoại của nhân vật. Còn các diễn viên lồng tiếng phim được yêu cầu phải biết diễn đạt chất giọng, phản ứng nhanh và canh được phản xạ của hành động. “Muốn làm nghề lồng tiếng phải biết trả lại từ đầu, nghĩa là vốn nghề lúc nào cũng ở con số 0. Chứ cứ nghĩ mình giỏi sẽ không làm được nghề lồng tiếng” - ông mách bảo một kinh nghiệm.
Đặc biệt, ông khẳng khái nhìn nhận, bản thân người làm nghề lồng tiếng phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật biểu diễn với nghệ thuật khớp hình. Biết nhìn màn ảnh mà phán đoán khi nào nên lựa chọn hình thức lồng tiếng cho đúng với cách thể hiện của nhân vật.
Theo ông, nghề lồng tiếng và thuyết minh đều có những ưu điểm riêng và hỗ trợ cho nhau, nhưng ông thì học thuyết minh để áp dụng cho lồng tiếng. Việc lồng tiếng được đánh giá là đem lại hiểu quả cao hơn, tạo ra cảm giác thoải mái, tự nhiên cho người xem, bớt đi sự chắp nối giữa hành động của người nghe và lời thuyết minh đơn thuần, chính vì thế nghề lồng tiếng cao hơn một bậc.
“Tôi học nghề lồng tiếng từ những phim nước ngoài, thường thì tôi học qua cách lồng của những bộ phim Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Bởi lẽ, những bộ phim này sử dụng ngôn ngữ đơn âm tiết giống tiếng Việt nên việc khớp môi của diễn viên lồng tiếng sẽ dễ dàng và chính xác hơn. Từ đó khi áp dụng cho việc lồng các vai của tôi hoặc của các diễn viên khác, tôi có kinh nghiệm để ứng dụng” - ông kể.
Hiện nay, khi nhắc đến nghệ sĩ lồng tiếng khán giả thường nghĩ đến những nghệ sĩ có nghề, có thâm niên, nhưng NSƯT Hùng Minh thì đánh giá cao các diễn viên lồng tiếng trẻ, bởi theo ông họ chịu học, mang được chất thanh xuân, thời đại vào từng vai diễn trên màn ảnh.
“Họ chịu học nên rất đáng khen, có em vừa có tài năng vừa có trình độ văn hóa nên ứng biến rất tốt. Nhiều em có chất giọng đẹp và phong cách chỉnh chu, nghiêm túc. Tôi đánh giá cao nghệ sĩ Đạt Phi vì em mê phim ảnh - từ khi còn là một cậu bé, em đã để dành tiền mua tạp chí hay tất cả những gì liên quan đến phim ảnh để xem. Sau đó em thi vào trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM. Và em vụt sáng với vai trò diễn viên lồng tiếng” - NSƯT Hùng Minh kể.
Ông nhắc lại, vào giữa thập niên 1980 khi phong trào phim bộ Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu xâm nhập đời sống của người Việt. Đạt Phi thuộc nhóm diễn viên lồng tiếng tiên phong vì anh có thế mạnh về tiếng nói sân khấu và khả năng diễn xuất.
“Nhờ chất giọng đẹp nên Đạt Phi nổi tiếng, sau đó kéo theo nhiều bạn trẻ khác bước vào nghề. Anh tập hợp lại thành một đội nhóm chuyên nghiệp. Sau này còn có vợ chồng Thùy Trang, Dương Cường cũng được biết đến với nghề lồng tiếng. Họ chịu khó rèn luyện để thăng hoa trong nghề và tạo dấu ấn riêng. Họ siêng năng học tập để tạo cho nghề con đường chuyên nghiệp. Đến nay phong trào phim sitcom thu tiếng trực tiếp phát triển, nhiều diễn viên trẻ do không chú tâm đến môn học tiếng nói sân khấu nên vai diễn bị nhợt nhạt. Nghề lồng tiếng xem ra bấp bênh trước phong trào này. Tuy vậy, gần đây phim truyền hình quay lại, đã nhờ đội ngũ lồng tiếng cứu nguy cho nhiều diễn viên là doanh nhân, là người mẫu bước vào đóng phim. Họ chưa qua trường lớp nên rất cần đội ngũ lồng tiếng trợ giúp” - Hùng Minh cho biết.
Ông vẫn mong có cơ hội để trao đổi kinh nghiệm của nghề lồng tiếng với diễn viên trẻ. Với ông, 45 năm thống nhất đất nước đã tạo cơ hội cho vườn hoa nghệ thuật phát triển, trong đó nghề lồng tiếng có vị trí vững chắc với đội ngũ lành nghề, tận tụy cống hiến. Và ông tự hào khi góp mặt trong đội ngũ đó, đem lại cho nền văn học nghệ thuật những bộ phim giá trị.
(Hỏi đáp về quá khứ, hiện tại, tương lai) “Nghề lồng tiếng hay lắm, đừng xem thường” * Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại? - Tôi rất hài lòng, vì nhìn lại con đường đã đi, ngoài nghề diễn viên cải lương với nhiều thành tựu, tôi còn có thêm nghề lồng tiếng. Hiện nay, vợ chồng tôi vẫn ở nhà thuê, nhưng mừng là có đủ tiền hàng tháng từ các show làm của tôi, của vợ tôi để trang trải cho cuộc sống. Đời sống nghèo mà vui và ý nghĩa. * Nếu quay lại thời kỳ đầu, ông có chọn thêm nghề lồng tiếng? - Tôi thích tìm tòi trong nghề lắm. Nên cái gì làm cho nghề diễn viên có thêm trải nghiệm, để thăng hoa cảm xúc thì tôi học. Trước đây, muốn có nghề lồng tiếng tôi tìm hiểu từ nghề thuyết minh. Vai diễn từ đó mà có nhiều cách thoại, cách diễn để biểu lộ nội tâm khác nhau. Nói chung, không có nghề nào thừa một khi mình muốn học để nâng cao nghề diễn xuất. * Ông mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng hiện nay? - Tôi mong có nhiều lớp dạy lồng tiếng chuyên nghiệp để các em trẻ bây giờ có cơ hội phát huy tài năng. Thực tế nhiều em diễn viên, đạo diễn tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, các em không tìm được việc làm, thì có thêm nghề lồng tiếng, thuyết minh sẽ là một cứu cánh. Vừa học vừa có thu nhập để mưu sinh, vừa bổ sung nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho nghề. Mà nghề lồng tiếng giúp phát âm chuẩn về câu thoại vùng miền, về tính cách nhân vật. Ở đây chỉ muốn nói với các em trẻ thôi: Nghề lồng tiếng hay lắm, đừng xem thường. |
(Còn nữa)
Thanh Hiệp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất