15/04/2013 07:29 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ huyền thoại này đi giữa một đám đông những người bạn Pháp vẫn nổi bật bởi vẻ nhanh nhẹn, bởi tà áo dài Việt Nam và bởi nụ cười thân thiện, nụ cười của trời cho mà bà vẫn giữ được từ ngày còn đàm phán hiệp định Paris về Việt Nam hơn 40 năm trước.
Vào ngày cuối của tuần lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris tại thành phố Chooisy le Roi, bà Nguyễn Thị Bình được đưa tới ngôi nhà trường Đảng Mauris Thorez, nơi xưa kia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ở từ năm 1968-1973 trong thời gian đàm phán hiệp định Paris. Bà lần bước lên cầu thang gỗ và nhớ lại những lần gặp gỡ cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy, ông Trịnh Ngọc Thái... nhớ đến những cái Tết ở đây hai đoàn đàm phán cùng vui vẻ đón năm mới và nghe thơ chúc Tết của nhà thơ Xuân Thủy.
Lãnh đạo thành phố đã cho gắn một tấm biển trên bức tường ngôi nhà. Tấm biển có ghi dòng chữ: Nơi đây đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hiệp định Paris đã ở từ năm 1968-1973. Lần trở lại này kỷ niệm chất chồng kỷ niệm ùa về trong ký ức của bà Nguyền Thị Bình, ông Hà Đăng và ông Trịnh Ngọc Thái. Cả ba con người này nay đều đã trên 80 tuổi. Trong ánh nhìn của họ đều chan chứa nỗi niềm xúc động. Ký ức không ngủ yên. Ào tới một cơn gió lạnh tháng Ba.
Tiếp đó, mọi người vội vã ra xe để đến một địa điểm khác đó là ngôi nhà 11 phố Darte, cũng thuộc thành phố Choisy le Roi nơi diễn ra cuộc họp bí mật giữa ông Lê Đức Thọ với cố vấn Henri Kissinger.
Ra đón đoàn là chị Laure Tartineav - chủ nhân của ngôi nhà. Được biết có đoàn đến thăm chị xin nghỉ làm ở nhà để tiếp đoàn. Lần đầu tiên chị được gặp bà Nguyễn Thị Bình - con người mà 40 năm trước chị chỉ được biết đến qua tivi và báo chí nay đã hiện diện trong ngôi nhà của chị.
Các nhân vật lịch sử ôn lại kỷ niệm trong ngôi nhà 11 phố Darte
Ông Trịnh Ngọc Thái chỉ chiếc bàn nơi họp bàn bí mật của ông cố vấn Lê Đức Thọ với ngài cố vấn Henri Kissinger. Đạo diễn Daniel Ruossel im lặng quay cảnh gặp gỡ này và cũng tranh thủ phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình, ông Trịnh Ngọc Thái, ông Hà Đăng cảm tưởng và những kỷ niệm về ngôi nhà này.
Ông Trịnh Ngọc Thái chỉ ra cửa sổ cho mọi người nhìn thấy cây anh đào. Mùa này anh đào đang nở hoa. Tất cả kéo nhau ra ngoài vườn cùng chụp ảnh. Khu vườn nhỏ nhắn, đầy chất thơ và mọi người cùng cảm nhận tình yêu với Choisy le Roi. Choisy le Roi còn là thành phố của thi ca. Dấu ấn của những nhà thơ cộng sản Louis Aragon, Paul Eluar... đều có ở đây, đều hiện diện trong những con đường, những nhà hát, và nhiều công trình văn hóa khác mang tên họ. Sự tinh tế và bề dầy văn hóa đã cho Paris và những thành phố khác như Chooisy le Roi kiêu hãnh tôn vinh các thi nhân nước Pháp.
Đoàn xe lại đưa chúng tối đến thành phố Verrier le Buisson nơi bà Nguyễn Thị Bình cùng đoàn chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ở trong 5 năm (1968-1973). Đây rồi, ngôi biệt thự nơi bà Bình từng ở trong những năm tháng hội đàm hội nghị Paris. Đầu thế kỷ XX, ngôi nhà này từng là một quán bar sau được cải tạo lại thành biệt thự. Ngôi nhà nằm trên một quả đồi nhỏ.
Bà Bình thăm lại biệt thự bà từng ở Verrier le Buisson
40 năm trở lại thăm ngôi nhà này, bà Bình xúc động khi bước lên từng bậc thang đá. Cảnh vật, hàng cây vẫn như xưa. Từ đây nhìn ra xa là một hồ nước. Mùa này hồ không đóng băng như hồi tháng giêng. Không thấy đôi thiên nga đâu. Vào tới sân sau bà Bình nhận thấy ở đây đã có nhiều thay đổi. Ngôi nhà đã thuộc về một chủ mới.
Tiếp bà Bình là một người phụ nữ có dáng vẻ trí thức. Mọi người ngồi xuống salon để bà Bình ngắm lại ngôi nhà. Không nói ra nhưng bà và mọi người đều hiểu chuyến thăm này như là lần cuối cùng bà trở lại thăm ngôi nhà này. Đã 86 tuổi rồi, đi lại khó khăn, tuổi ngày càng cao chắc hẳn lần kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris vào năm 2018 chắc bà không đủ sức sang đây một lần nữa. Tuổi già thường sống bằng kỷ niệm và từng giây phút ngậm ngùi chia tay với kỷ niệm.
Mọi người đi bên cạnh bà và yên lặng để bà ngắm cảnh vật xung quanh. Với bà Nguyễn Thị Bình cảm xúc ngày trở lại là vui buồn lẫn lộn. Bà nói: “Tôi vui vì được thăm trở lại ngôi nhà xưa, buồn vì nhớ tới nhiều đồng chí của ta trong phái đoàn chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam năm xưa nay không còn nữa”.
Mọi người cùng chụp ảnh lưu niệm trước cửa ngôi nhà với bà. Ngôi nhà lịch sử này được thành phố cho đặt một tấm biển trên hè phố ghi: Nơi đây bà Nguyễn Thị Bình đã ở trong thời gian diễn ra đàm phán hội nghị Paris từ năm 1968-1973, đủ thấy chính quyền thành phố trân trọng di tích biết chừng nào.
Tấm biển đặt trước biệt thự Verrier le Buisson nơi bà Nguyễn Thị Bình từng sống
Mọi người trong đoàn viếng thăm cho biết chủ nhân của ngôi nhà này đang muốn bán biệt thự này. Giá kể chính phủ ta vận động các doanh nghiệp mua lại được ngôi nhà di tích này thì hay biết mấy. Làm thế ngôi nhà lịch sử này sẽ trở thành một bảo tàng về bà Nguyễn Thị Bình - một nhân vật huyền thoại của cách mạng Việt Nam và bảo tàng về cuộc đàm phán gay go, dài nhất trong lịch sử ngoại giao của nhân loại ở thế kỷ XX.
Dọc đường trở lại thành phố Choisy le Roi, đoàn Việt Nam còn được thị trưởng thành phố Yvelines mời đến thăm bảo tàng nhà thơ Louis Aragon và Elsa Triolet tại trang viên Le Moulin de Villeneuve. Đấy là một khu biệt thự đẹp mang đậm phong cách kiến trúc nông thôn Pháp. Dấu ấn của cặp vợ chồng thi sỹ còn in đậm trong từng căn phòng, trên những bức ảnh hạnh phúc. Họ là một cặp uyên ương hạnh phúc nhất trần gian bởi những vần thơ tặng Elsa của Louis Argon - những bài thơ đã trở thành kiệt tác thơ tình của nhân loại như: Đôi mắt Elsa, Elsa anh yêu em...
Thăm bảo tàng nhà thơ Louis Aragon và Elsa Triolet
Ngập tràn trong những căn phòng của họ là sách và những tác phẩm của Picasso và nhiều danh họa Pháp tặng vợ chồng họ. Ở Việt Nam bài thơ Nhà thơ tặng Đảng của mình của Louis Aragon đã được nhà thơ Tố Hữu dịch ra tiếng Việt và nhạc sỹ Phạm Tuyên phổ nhạc, bài hát có ca từ mở đầu: Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng... đã từ lâu trở nên quen thuộc với công chúng Việt Nam và được các giọng ca nổi tiếng của Việt Nam thể hiện thành công như ca sỹ - NSND Quang Thọ, NSND Trần Hiếu...
Ấn tượng nhất là khi mọi người đến trước nấm mộ của vợ chồng nhà Elsa Triolet - Aragon. Mỗi khi có khách đến thăm viếng nơi đây những người phục vụ lại mở bản nhạc trộn lẫn tiếng họa my mà sinh thời Elsa yêu thích. Đây cũng là bản nhạc mà Aragon mỗi lần ra thăm mộ lại cho mở đĩa để hồn Elsa nằm yên dưới mồ được lắng nghe tiếng lòng, tiếng tình yêu và những thổn thức của nhà thơ Argon. Xung quanh ngôi mộ tháng ba nở đầy hoa jonquille - bông hoa vàng có hình chiếc chuông.
Thăm mộ vợ chồng nhà Elsa Triolet - Aragon.
Mọi người hái những bông hoa này cho bà Nguyễn Thị Bình đặt lên mộ của đôi lứa thi nhân. Nơi đây mãi mãi ngự trị tình yêu bất tử của họ. Sinh thời họ đã có những vần thơ ngợi ca hòa bình, tình yêu, công lý và cách mạng. Họ thuộc về trái tim của nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do và tiến bộ. Bà Nguyễn Thị Bình - con người đấu tranh không biết mỏi mệt cho tự do, hòa bình của dân tộc đã nghiêng mình trước vong linh của cặp vợ chồng thi sỹ Elsa Triolet - Aragon. Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ kết thúc, súng đạn sẽ thôi gầm thét và chỉ còn đây bất diệt tình yêu của đôi lứa bên nhau và bất diệt tình yêu tự do, hòa bình cho dân tộc và cho nhân loại của những người cộng sản như bà Nguyễn Thị Bình.
Vậy là đã qua đi một dặm đường thiên lý cho ngày trở lại Paris, trở lại Choisy le Roi, Verrier le Buisson... bà Nguyễn Thị Bình thấy mình hạnh phúc bởi bà đã có một cuộc đời ý nghĩa cho những năm tháng qua - một cuộc đời gắn bó với vận mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thị Bình và người bạn Pháp xem lại những bức ảnh kỷ niệm
Bài Nghiêm Nhan
Ảnh Huy Cường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất