22/01/2018 10:22 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Sáng 22/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) và các đồng phạm.
Trong phần nhận định nội dung vụ án, Hội đồng xét xử đã xác định: Việc các bị cáo chỉ định PVC làm tổng thầu EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc tạm ứng tiền cho PVC là trái quy định.
Biết PVC chưa đủ năng lực nhưng vẫn chỉ định làm tổng thầu
(VIDEO tiếp tục phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm)
Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc triển khai, lựa chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cụ thể, năm 2010, do việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Thay vì tìm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại giao cho PVC gánh vác thêm các khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) với giá trị lên tới 793 tỷ đồng.
Tính đến năm 2011, PVC đã đầu tư tài chính vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư 3.460 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư gần 1.000 tỷ đồng (theo các Báo cáo tài chính năm 2009, năm 2010 đã được kiểm toán của PVC).
Mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu thi công những dự án nhiệt điện lớn và theo Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN của Hội đồng Thành viên PVN phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo đó PVC là thành viên đứng đầu liên danh, nhà thầu nước ngoài tham gia được lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế, nhưng bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) vẫn quyết định lựa chọn PVC làm tổng thầu EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức Chỉ định thầu.
Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng EPC số 33 ngày 28/2/2011 và hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 ngày 13/5/2011 với giá trị được tạm tính là 1,2 tỷ USD.
Hội đồng xét xử xác định, việc lựa chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên là làm trái Điều 41 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; Điều 16, Điều 17 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ quy định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Điều 9, Điều 10 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Tạm ứng tiền trái quy định
Bản án sơ thẩm phân tích: Hợp đồng EPC số 33 giữa PVPower và PVC được lập, ký không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có, nhất là không có Điều 14 (Giá trị hợp đồng và Thanh toán) và Điều kiện Hợp đồng, không có Phụ lục 2 (Điều kiện và Quy trình thanh toán) quy định về khoản tạm ứng, không có thỏa thuận Hợp đồng.
Sau đó, ngày 13/5/2011, PVN và PVC đã ký Hợp đồng EPC số 4194 với nội dung chính là chuyển đổi chủ thể thực hiện Hợp đồng EPC số 33, các nội dung khác của Hợp đồng vẫn giữ nguyên. Các Hợp đồng được lập và ký chưa được Hội đồng Thành viên của Chủ đầu tư phê duyệt và Ban Quản lý Dự án Thái Bình 2 báo cáo PVN vẫn đang đàm phán và chưa đi đến thống nhất tỷ lệ tạm ứng Hợp đồng với PVC nhưng theo đề nghị của PVC, PVN đã chuyển 8.268.000 USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban Quản lý Dự án Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC số tiền 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, việc tạm ứng tiền theo Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194 là làm trái khoản 2, khoản 3, Điều 3, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; khoản 2, Điều 6, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; khoản 2, khoản 4, Điều 10, Quyết định số 190/QĐ-TTg ngày 29/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) và Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cụ thể: Thanh toán trả nợ các Ngân hàng (Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - Chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng MHB, Ngân hàng Hàng hải) hơn 763 tỷ đồng; chuyển tiền tạm ứng 10 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần thiết bị nội ngoại thất Dầu khí (PVC Metal); sử dụng 110 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn vào Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVNC), Công ty Cổ phần phát triển đầu tư đô thị Dầu khí (PVC-MeKong) và Công ty Cổ phần bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC-Land). Các bị cáo chỉ sử dụng hơn 196 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu phụ thi công một số hạng mục của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Số tiền còn lại PVC sử dụng đầu tư vào các dự án khác.
Hội đồng xét xử cho rằng, việc sử dụng tiền tạm ứng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nêu trên là làm trái khoản 2, Điều 31, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; trái với khoản 6, Điều 17, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Tổn thất đặc biệt lớn
Tại bản kết luận giám định ngày 11/12/2017, Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận: Thiệt hại do việc PVN và Ban Quản lý Dự án tạm ứng cho PVC số tiền 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng gây ra cho PVN là số tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích Dự án 1.115 tỷ đồng là 51,6 tỷ đồng.
Thiệt hại trực tiếp do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.115 tỷ đồng gây ra đối với PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ ngày 11/10/2011 (ngày đủ điều kiện để tạm ứng tiền cho PVC) cho đến ngày 20/3/2012 (ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng sai mục đích) là hơn 68 tỷ đồng. Trong đó, có số tiền lãi phát sinh tính cho khoản 30 tỷ đồng đầu tư tài chính vào PVC Nghệ An là 1,832 tỷ đồng và số tiền lãi phát sinh tính cho khoản 10 tỷ đồng đầu tư tài chính vào Công ty Cổ phần thiết bị nội ngoại thất Dầu khí (PVC-Metal) là hơn 610 triệu đồng.
Tổng số tiền thiệt hại là hơn 119 tỷ đồng (51,6 tỷ đồng + hơn 68 tỷ đồng).
Tại phiên tòa, một số luật sư và bị cáo cho rằng giám định không đúng, không khách quan và không đầy đủ dẫn đến việc quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo là không chính xác.
Hội đồng xét xử nhận thấy, hậu quả của việc chỉ định thầu trái phép và tạm ứng tiền trái phép được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh.
Một là, hàng loạt cán bộ, chuyên gia trên các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, lâm vào vòng lao lý. Đây là tổn thất đặc biệt lớn.
Hai là, do không có năng lực thi công nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg. Việc chậm tiến độ đã làm đội vốn công trình, lãi phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước.
Ba là, nhiều máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê hết trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục bộc lộ sau khi xét xử.
Bốn là, sau khi ký Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194, dưới áp lực của bị cáo Đinh La Thăng, PVC đã được tạm ứng số tiền 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng, sau đó đã dùng số tiền trên 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích. Khoản tiền này, sau một thời gian mới được trả lại cho Ban Quản lý Dự án. Hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước không thể tùy tiện mang cho PVC chi dùng trái phép. Nếu tất cả các bộ, ngành đều tùy tiện sử dụng tiền và tạm ứng sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế. Khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng phải tính thiệt hại ngay từ khi tạm ứng trái phép, còn việc trả lại chỉ là căn cứ giảm nhẹ chứ không phải là không có hậu quả. Trong khi đó, PVN là chủ đầu tư, PVC là nhà thầu nhiều dự án đang hàng ngày phải trả lãi ngân hàng với lãi suất cao. Bị cáo Đinh La Thăng và Hội đồng Thành viên PVN biết rất rõ điều này. Vì vậy, cách tính thiệt hại theo lãi vay là có lợi cho bị cáo. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kết quả giám định thiệt hại là 119,8 tỷ đồng như đã nêu trong Kết luận giám định.
Từ thực tế này, Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ thiệt hại xảy ra do việc việc chậm tiến độ trong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
giaidauscholar.com sẽ tiếp tục cập nhật nội dung tuyên án trong phiên tòa xét xử này.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất