Tuổi thọ trung bình của con người tăng 5 năm trong 15 năm qua

22/05/2016 10:54 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố số liệu mới nhất cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn cầu đã tăng thêm 5 năm trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015. Đây được coi là mức tăng nhanh nhất tính từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

Số liệu của WHO cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân thế giới đã tăng thêm 5 năm trong 15 năm qua, cho dù vẫn tồn tại sự cách biệt lớn giữa các nước. Cụ thể, tuổi thọ của người dân sống tại 12 nước phát triển mà WHO điều tra có thể lên đến 82 tuổi hoặc cao hơn, trong khi người dân ở 22 nước đang phát triển thường qua đời trước 60 tuổi.

Tuổi thọ trung bình của người dân thế giới đã tăng thêm 5 năm trong 15 năm qua

Thống kê của WHO cho thấy Thụy Sĩ, Iceland, Australia, Thụy Điển và Israel là 5 quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất, trong khi Chad, Cote d’Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Angola, và Sierra Leone bị xếp hạng thấp nhất.

Mặc dù, 5 nước châu Phi nằm ở cuối bảng xếp hạng về tuổi thọ trung bình của người dân song WHO cũng cho biết châu Phi là khu vực có mức tăng tuổi thọ lớn nhất kể từ năm 2000. WHO cho biết tuổi thọ trung bình đã tăng thêm 9,4 năm lên đến 60 tuổi ở các nước châu Phi, chủ yếu nhờ những cải thiện về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, những tiến bộ trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, và tăng cường tiếp cận với liệu pháp chống virus HIV cho cộng đồng.

Khoảng cách về tuổi thọ giữa người dân châu Phi và châu Âu dù còn rất lớn, song nhờ những tiến bộ khoa học và sự tăng cường đầu tư cho y tế ở châu Phi, khoảng cách này đang dần được thu hẹp.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm